Mẹ&Con – Hầu hết thời gian của trẻ sơ sinh thuộc về phòng ngủ. Do đó, phòng ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của bé. Khi còn nằm trong bụng mẹ, bé được bảo vệ an toàn nhưng khi chào đời, bé bắt đầu chịu sự tác động của môi trường sống. Bởi thế, phòng ngủ cho trẻ sơ sinh luôn phải đảm bảo độ an toàn và thân thiện với cơ thể non nớt của bé.
Tránh sơn độc hại cho tường
Hiện nay, thị trường xuất hiện nhiều loại sơn chứa chì và thủy ngân, đa phần là những loại không có thương hiệu rõ ràng. Cha mẹ đừng vì tiết kiệm chi phí mà sơn sửa nhà cửa, đồ đạc trong phòng bé yêu bằng các loại sơn rẻ tiền, không đảm bảo chất lượng.
Các loại sơn này thường chứa chì, thủy ngân trong kỹ thuật pha chế màu, gây nguy hại nghiêm trọng tới sức khỏe bé yêu. Chúng xâm nhập vào cơ thể bé thông qua đường hô hấp, da, đường miệng (khi bé đút tay hay nhặt bất cứ thứ gì có dính bụi sơn đưa vào miệng) dẫn đến suy giảm trí thông minh, phát triển thể chất chậm, tổn thương hệ thần kinh…
Cha mẹ cũng chú ý việc sơn sửa phòng ngủ cho trẻ sơ sinh cần được chuẩn bị trước, không nên để bé ở trong căn phòng mới sơn hoặc vừa được sơn lại. Nếu thấy phòng cũ, muốn tân trang, tốt nhất nên sơn lại phòng trước khi đón bé từ viện về nhà khoảng 2-3 tháng. Ngoài ra, một giải pháp an toàn khác không cần sử dụng sơn tường cho phòng của bé đó là sử dụng giấy gián tường.
Chọn nôi đạt chuẩn an toàn cho trẻ
Nôi đạt chuẩn an toàn cho trẻ sơ sinh có khoảng cách giữa các thanh nôi phù hợp, khe hở không quá rộng, tránh khi bé nghịch có thể bị kẹp đầu hoặc kẹp chân, tay. Bên cạnh việc đánh giá chất lượng cũi nôi qua hình thức bên ngoài, bạn cũng cần kiểm tra kỹ các chi tiết như ốc vít (không được sắc cạnh), thành nôi (láng mịn)…
Ngoài ra, chiều cao của giường cũng nên ở mức 40 – 50cm và không nên có gầm thấp gây khó khăn trong việc vệ sinh, làm bụi bẩn tích tụ và lây lan trong không khí.
Phòng ngủ là món quà đầu đời mà các bậc làm cha mẹ thường tâm huyết chuẩn bị cho con yêu. Khi thiết kế phòng cho bé, mối quan tâm hàng đầu của các ông bố bà mẹ là làm sao cho phòng của ngủ của con thật đẹp. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cho phòng ngủ của bé lại là sự an toàn. Từ cách bố trí đồ đạc cho đến kiểu dáng và kích thước đồ nội thất đều là những gì bạn cần lưu ý ngay từ bước lập kế hoạch.
Tạo không gian an toàn trong nôi
Phần lớn thời gian của trẻ sơ sinh từ khi chào đời đến lúc tròn 1-2 tuổi đều ở trong nôi. Vì vậy, mẹ cần chắc chắn rằng, khu vực này không có bất cứ đồ vật gì có thể gây hại tới bé. Chẳng hạn như, các đồ vật nhỏ có thể khiến bé nghẹt thở khi nghịch ngợm đưa vào miệng; hay những con thú nhồi bông dễ gây hen suyễn…
Đặt nôi cũi cách xa cửa sổ
Cửa sổ là nơi ánh sáng mặt trời đi vào làm căn phòng trở nên sáng hơn. Tuy nhiên, vị trí này lại không phải là nơi an toàn và phù hợp để đặt giường cũi cho trẻ sơ sinh.
Đặt giường cũi ngay cửa sổ, ánh sáng quá mạnh và tiếng ồn từ bên ngoài quá to rõ sẽ khiến bé trở nên khó ngủ. Đồng thời, một loạt các yếu tố nguy hiểm khác như kính cửa sổ có thể bị vỡ, bé nhoài người ra cửa sổ… cũng là lý do mà mẹ cần cân nhắc khi bố trí giường cũi bé ở vị trí này. Nơi đặt giường cũi lý tưởng cho bé là nơi thoáng mát nhất trong phòng, cách cửa sổ 1-2 mét.
Bên cạnh đó, cửa sổ phòng ngủ cho trẻ sơ sinh nên nằm ở khoảng cách từ 1m – 1m2 tính từ nền nhà. Nếu gia đình bạn ở chung cư, hãy trang bị thêm song sắt bảo vệ.
Cẩn thận với rèm cửa
Theo các nhà nghiên cứu khoa học, trẻ sơ sinh thường hay giật mình tỉnh giấc trong lúc ngủ nguyên nhân chính là do phòng ngủ quá sáng. Vì vậy, ngoại trừ ban đêm chỉ cần sử dụng đèn ngủ thì ban ngày, mẹ nhớ che bớt ánh nắng từ cửa cho bé bằng rèm. Ánh sáng vừa đủ sẽ giúp bé nghỉ ngơi, thư giãn dễ chịu và phát triển tốt hơn.
Thế nhưng, với rèm cửa, mẹ cũng lưu ý chọn rèm nhẹ, không quá nặng, phòng trường hợp bé nô đùa rồi giật rèm rơi xuống gây nguy hiểm. Ngoài ra, mẹ cũng cần tránh chọn những loại rèm có đính hạt, bởi bé có thể nghịch ngợm nuốt những hạt đó vào miệng.
Đường dây điện
Trẻ nhỏ thường tò mò và thích khám phá, rất dễ tìm cách nghịch dây điện hoặc thò tay vào ổ cắm. Vì vậy, khi thiết kế phòng cho trẻ, cha mẹ đừng quên để đường dây điện ẩn vào bên trong tường hoặc bọc trong các miếng nhựa an toàn và lắp đặt trên cao hoặc ẩn dưới các lớp thảm… Bên cạnh đó, cha mẹ cũng chú ý bịt hết các ổ cắm điện trong phòng trẻ.
Phòng ngủ cho trẻ sơ sinh cần tránh treo các đồ vật quá nặng lên tường, vì chúng có thể rơi trúng người trẻ rất nguy hiểm. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần tránh bài trí các đồ vật sắc nhọn trong phòng con, có thể bo tròn các góc bàn, góc giường để giảm tối đa sự va chạm khiến trẻ bị thương.
Bài trí vật dụng trong phòng ngủ cho trẻ sơ sinh
Một trong những tiêu chí cơ bản của phòng ngủ cho trẻ sơ sinh là phải sạch sẽ và thoáng mát. Vì vậy, hạn chế đồ đặc trong phòng bé, càng ít đồ chơi, vật dụng càng tốt.
Nhiều mẹ cứ nghĩ rằng, phòng càng nhiều đồ chơi, nhiều vật dụng thì càng làm trẻ “vui mắt” và dễ ngủ. Thực tế, phòng ngủ quá bừa bộn, quá nhiều đồ đạc sẽ hạn chế sự lưu thông không khí, khiến con “rối mắt” và khó ngủ hơn, đặc biệt là những đồ vật có cạnh sắc nhọn. Tốt hơn hết, cha mẹ hãy cất đồ chơi gọn gàng vào một chỗ, như trong một cái tủ chắc chắn chẳng hạn.
Ngoài ra, mẹ cũng cần tránh đặt Tivi lên nóc tủ, vì khi trẻ hiếu động bám víu có thể khiến Tivi rơi đè lên trẻ. Tốt nhất, Tivi là vật dụng không cần thiết, cha mẹ không cần trang bị cho phòng của bé.
Mẹo bố trí phòng ngủ cho trẻ sơ sinh hợp phong thủy
- Không đặt nhiều gương trong phòng ngủ trẻ. Chúng có thể tạo nhiều bóng ảo làm cho bé cảm thấy bất an, tinh thần luôn hoảng hốt;
- Giường cũi không đặt ngay dưới xà ngang hoặc đối diện với gương, gây cảm giác đè nén, bí bách;
- Đảm bảo không có góc nhọn (như góc bàn) chiếu thẳng vào giường của bé. Góc nhọn như mũi tên mang năng lượng xấu cho trẻ.
- Sử dụng những gam màu tươi sáng, ấm áp, nhẹ nhàng cho phòng bé, tránh chọn những màu quá chói lóa, sặc sỡ càng không chọn các gam màu tối tăm, u buồn, lạnh lẽo.
Recent comments