1. Cách phòng chống muỗi bằng hương vị muỗi “khiếp sợ”
Sử dụng các loại tinh dầu
Một số tinh dầu từ thực vật như tinh dầu tràm, sả, tuyết tùng, bạc hà, cỏ chanh, phong lữ, dầu đậu nành, dầu khuynh diệp… có tác dụng phòng ngừa muỗi hiệu quả. Bạn có thể sử dụng chúng để bôi lên các vùng da không được quần áo che phủ hết. Khi bôi, bạn chú ý tránh khu vực mắt, mũi, miệng và nơi có vết thương hở. Ngoài việc bôi trực tiếp lên da, bạn cũng có thể cho các loại tinh dầu này vào bình xịt, sau đó xịt vào góc phòng cũng có tác dụng xua đuổi muỗi tương tự.
Cách phòng chống muỗi này có thể khiến bạn bị dị ứng nếu sử dụng loại tinh dầu không phù hợp. Vì vậy, trước khi thoa tinh dầu lên nhiều vùng da trên cơ thể, bạn nhớ nhỏ một chút tinh dầu vào mặt trong cánh tay. Bằng cách này, bạn có thể biết được cơ thể mình có nguy cơ bị dị ứng với loại tinh dầu sẽ sử dụng hay không.
Đốt vỏ cam, bưởi khô
Muỗi không thích mùi của vỏ cam hay vỏ bưởi. Bạn có thể sử dụng vỏ của các loại quả này cắt đôi, tách phần ruột ra và gắn nền vào. Cuối cùng, bạn chỉ cần đốt nến theo cách thông thường để lan tỏa mùi tinh dầu cam, bưởi khắp căn phòng. Mùi hương từ vỏ cam, vỏ bưởi có thể xua đuổi muỗi, ngăn muỗi đến gần căn phòng của bạn. Đồng thời, chúng cũng giúp “thổi bay” mùi hôi cùng mùi ẩm mốc khó chịu trong căn phòng.
Ngoài vỏ cam, bưởi, bạn còn có thể sử dụng lá bạc hà, lá đinh hương, hoa oải hương, bồ kết, cây hương nhu, cây gỗ thơm, bã mía hoặc vỏ quýt khô… cho vào nồi, đặt ở góc phòng và đốt trực tiếp để xua đuổi muỗi. Tuy nhiên, bạn lưu ý chỉ đốt với lượng vừa phải, tránh tạo nhiều khói trong nhà gây ngạt.
Bạn có thể thực hiện việc đốt các nguyên liệu trên vào buổi sáng (trước 9 giờ) và chiều tối (sau 16 giờ). Đây là hai thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất trong ngày. Việc đốt các nguyên liệu kể trên không chỉ có tác dụng xua đuổi muỗi, mà các loại côn trùng như ruồi, gián, kiến cũng buộc phải chui ra khỏi nơi ẩn náu trong nhà bạn.
Hạt tiêu đen
Hạt tiêu đen không chỉ là loại gia vị tuyệt vời và phổ biến trong ẩm thực, chúng còn là dược liệu giúp phòng chống muỗi rất tốt. Với cách phòng chống muỗi bằng hạt tiêu đen, bạn chỉ cần rắc chúng bên góc cửa sổ, cửa ra vào hay cho vào trong các chậu nhỏ, muỗi sẽ không dám lại gần căn nhà của bạn.
Sử dụng tỏi
Mùi hương của tỏi cũng khiến lũ muỗi sợ hãi và bay đi. Bạn có thể cắt tỏi thành các lát mỏng, đặt trên bệ cửa sổ, các khe hở của căn nhà để ngăn muỗi xâm nhập vào. Ngoài ra, bạn còn có thể trồng hẳn tỏi trong các thùng xốp, chậu cây hoặc trên các luống rau quanh nhà để xua đuổi muỗi.
Khi chế biến thức ăn, bạn có thể thêm tỏi vào làm gia vị, vừa thơm ngon, vừa giúp muỗi tránh xa bạn và hệ thống miễn dịch của cơ thể thêm khỏe mạnh. Trước khi đi ngủ, bạn thoa một chút nước tỏi lên da cũng đảm bảo không bị lũ muỗi “quấy rầy”.
Viên vitamin B1
Nếu bạn là “cục nam châm” của các loài muỗi thì đừng quên dùng viên vitamin B1 ngâm tan trong nước và xoa lên da. Cách làm này sẽ khiến lũ muỗi không dám “bén mảng” đến gần bạn, vì chúng rất “không ưa” mùi của loại vitamin có tính hòa tan trong nước này. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trong thời gian ngắn, vì vitamin B1 không lưu giữ trên cơ thể lâu.
Bên cạnh đó, bạn có thể tăng cường các thực phẩm giàu vitamin nhóm B vào bữa ăn hàng ngày. Vitamin nhóm B khiến mồ hôi tiết ra mang mùi khó chịu với loài muỗi. Đừng lo lắng rằng bạn cũng sẽ có mùi không dễ chịu với con người, bởi họ không thể ngửi thấy chúng.
Các thực phẩm giàu vitamin nhóm B có thể kể đến ngũ cốc, rau xanh, đậu các loại, thịt, trứng, sữa, tim, thận, gan, lách, hải sản…
2. Trồng cây, hoa – cách đuổi muỗi đơn giản
Cây sả
Bạn có biết, thành phần cơ bản dùng để sản xuất dung dịch phòng muỗi chính là tinh dầu của cây sả. Mùi hương đặc biệt của tinh dầu sả khiến muỗi mất định hướng, không thể tìm được bạn ở đâu để đốt. Nếu không có đất để trồng loài cây này, bạn có thể cắm chúng vào ly nước, đặt ở những nơi muỗi hay tập trung như gầm giường, sau cánh cửa, góc nhà…
Vài ngày sau, sả ra rễ và bắt đầu bật lá thì bạn có thể trồng vào các chậu đất, đặt ở vị trí có nhiều ánh sáng. Trồng sả vào các chậu xinh xinh, bạn vừa có thể làm cảnh cho căn phòng, vừa là cách phòng chống muỗi hiệu quả.
Cây bạc hà
Hương the mát của bạc hà chính là “ác mộng” của loài muỗi và một số côn trùng như muỗi, kiến, gián, ong. Bạn có thể trồng bạc hà vào những chiếc thùng xốp, chậu nhỏ để đuổi muỗi, đồng thời làm gia vị cho bữa ăn hàng ngày.
Ngoài ra, bạn vò nát một nắm húng lủi, đặt ở góc nhà, nóc tủ, bệ cửa sổ… cũng có tác dụng chống muỗi trong 1-2 ngày. Đồng thời, mùi thơm của bạc hà cũng giúp cả gia đình bạn thư thái và dễ đi vào giấc ngủ ngon hơn.
Cây tùng thơm
Tùng thơm là cây cảnh có mùi chanh thơm nhẹ là “kẻ thù” của muỗi. Cây này thường được trồng trong các chậu nhỏ đặt trong nhà ở hoặc văn phòng để trang trí, thư giãn tâm trí, đặc biệt là xua đuổi muỗi.
Cây tía tô
Cây tía tô thường khiến lũ muỗi e ngại đến gần nhờ chúng luôn tỏa mùi hương đặc trưng. Trồng loại cây này lại không hề khó, chúng lớn, nhanh, khỏe mà không cần tưới tiêu nhiều. Đặc biệt, tía tô ưa bóng râm nên khi trồng trong chậu, bạn có thể di chuyển chúng đến bất cứ nơi nào trong nhà để xua đuổi muỗi.
Cây húng quế
Húng quế là một trong số ít những cây thảo mộc có thể tỏa hương dù không cần nghiền hay vò nát. Mùi hăng hăng cay cay của loại rau này là nỗi “kinh sợ” của loài muỗi.
Húng quế khá dễ trồng và dễ sống. Vì vậy, bạn có thể trồng chúng xung quanh nhà vừa là cách phòng chống muỗi, vừa có rau thơm sạch để thưởng thức.
Cây ngải cứu
Cây ngải cứu có mùi thơm thảo dược tự nhiên giúp đuổi muỗi và một số côn trùng có hại khác. Ngoài tác dụng đuổi muỗi, ngải cứu còn có khả năng thanh lọc không khí, cung cấp oxy trong lành cho ngôi nhà của bạn.
Bạn có thể xua đuổi muỗi bằng cách trồng ngải cứu trong chậu nhỏ, đặt gần cửa ra vào hoặc trồng các khóm nhỏ xung quanh nhà.
Hoa cúc vạn thọ
Mùi hăng hắc từ lá và hoa cúc vạn thọ sẽ làm cho muỗi sợ và tránh xa. Vì thế, bạn tiếc gì một chậu hoa cúc vạn thọ trước nhà vừa có thể khoe sắc, vừa khiến lũ muỗi “khiếp vía” trong hè này.
Hoa ngũ sắc
Gần giống như cúc vạn thọ, hoa ngũ sắc cũng có mùi hắc giúp xua đuổi muỗi cực tốt. Loài cây này thích ứng tốt với nhiều kiểu khí hậu. Do đó, bạn có thể dễ dàng trồng chúng trong chậu, bồn hoa hoặc sân vườn mà không cần chăm sóc, tưới nước nhiều.
Hoa dạ hương
Mùi hương hơi nồng và ngào ngạt của hoa dạ hương chính là “khắc tinh” của lũ muỗi. Loài hoa này thường được trồng trong vườn, chỉ tỏa hương về đêm. Nhờ đó, hoa dạ hương giúp muỗi không dám “bén mảng” quanh nhà bạn vào mỗi đêm nữa.
Tuy nhiên, do mùi của cây hoa dạ hương khá nồng sẽ khiến một số người hít phải bị chóng mặt và nhức đầu. Vì vậy, muốn trồng dạ hương, bạn chỉ cần trồng một khóm nhỏ là đủ và trồng ở sân vườn hoặc nơi có không gian thoáng đãng ngoài nhà.
3. Mặc quần áo sáng màu
Không chỉ “đi săn” theo mùi vị, muỗi còn dựa vào ánh sáng để “tấn công” bạn. Mùa hè, mặc trang phục màu đen hoặc nâu, bạn sẽ bị muỗi đốt nhiều hơn những người mặc đồ màu trắng hoặc vàng. Nguyên nhân là do muỗi cực kỳ thích màu tối và kém hấp dẫn với màu sáng.
4. Vệ sinh môi trường xung quanh
Các đầm lầy, ao hồ, vũng nước đọng… là nơi sinh trưởng chủ yếu của loài muỗi. Vì vậy, bạn cần loại bỏ những nơi này để muỗi không còn chỗ sinh sản và phát triển.
Với những gia đình có đầm lầy, ao hồ gần nhà thì có thể nuôi cá để chúng ăn lăng quăng (ấu trùng muỗi). Bạn cũng chú ý thay rửa các dụng cụ chứa nước, bể chứa nước sinh hoạt hàng tuần và lật úp các dụng cụ chứa nước không dùng đến.
Ngoài ra, san lấp vũng nước đọng, phát quang bụi rậm quanh nhà, dọn dẹp rác thải, hủy các phế thải như chai, lọ, vỏ dừa, lốp xe cũ… bạn cũng loại trừ được nơi đẻ trứng và trú ẩn của muỗi hiệu quả.
5. Mắc màn khi ngủ – cách chống muỗi đốt
Ngoài những cách phòng chống muỗi trên, mắc màn khi ngủ cũng là “mẹo nhỏ có võ” giúp cả gia đình bạn tránh xa muỗi. Nhắc đến cách phòng chống muỗi bằng việc dùng màn ngủ ai cũng biết, nhưng để thực hiện nghiêm túc mỗi ngày không phải ai cũng làm được. Vì sức khỏe của bản thân và gia đình, bạn nhớ cố gắng thực hiện điều này hàng ngày, cả khi trời sáng và tối.
Tất nhiên, bạn cũng phải đảm bảo màn không bị rách, vì muỗi có thể phát hiện ra kẽ hở để chui vào. Ngoài ra, bạn cũng tránh nằm sát màn, dễ dàng cho muỗi “tấn công”.
Mẹo nhỏ bẫy bắt muỗi bằng chai nhựa
Chuẩn bị:
- 1 chai nhựa loại 1,5 lít
- 1 mảnh vải tối màu
- 1 con dao sắc
- ½ chén đường đỏ
- 1/3 muỗng canh bột nở (hay baking soda)
- 200ml nước ấm
Thực hiện:
- Rửa sạch chai nhựa và cắt đôi.
- Hòa tan đường với lượng nước ấm đã chuẩn bị, sau đó đổ vào phần đáy chai nhựa.
- Nước nguội, cho bột nở vào, không cần khuấy.
- Dùng phần nửa còn lại của chai nhựa, úp ngược vào phần đáy sao cho cổ chai hướng xuống tạo thành hình chiếc phiễu.
- Sử dụng vải tối màu bọc phần thân chai lại, đặt nơi góc kín trong nhà, khu vực muỗi thường quanh quẩn.
Mỗi chai nhựa bắt muỗi này có thể sử dụng đến 1 tháng mới phải thay thế.
Bạn lưu ý khi đổ nước đường vào không để ngập cổ chai, vì sẽ cản đường bay vào của muỗi.
Nguyên tắc hoạt động của bẫy bắt muỗi bằng chai nhựa:
Muỗi thường bị hấp dẫn bởi những thứ tối màu. Do đó, vận dụng yếu tố này, chúng ta dùng vải tối màu sẽ thu hút muỗi đến gần.
Đồng thời, bột nở khi được trộn với nước đường sẽ tạo ra khí CO2. Muỗi định vị đối tượng đốt bằng lượng khí CO2 mà người hay con vật thở ra. Vì vậy, muỗi sẽ bị hút vào bẫy do lượng CO2 mà bẫy tỏa ra, sau đó bị kẹt trong bẫy, không bay ra được và chết dần trong đó. Nếu không muốn sử dụng các loại cách phòng chống muỗi bằng hóa chất thì đây sẽ là một ý tưởng tuyệt vời mà bạn có thể áp dụng.
Recent comments