Ngàn đời xưa nay, làm dâu nhà chồng là lẽ thường tình chứ ở rể nhà vợ thì mấy người chịu theo?
Nhiều người độc miệng, ví chuyện ở rể như “chó chui gầm chạn”. Đàn ông rất quan trọng sĩ diện, và vì như thế hiếm có người nào chịu ở rể nhà vợ dù nơi đó thuận tiện về mọi mặt: Công việc, kinh tế, địa lý, nhà cửa, con cái học hành…
Trái ngược với việc làm dâu, vấn đề ở rể đối với đàn ông gần như là con số không. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ mà sau khi lấy vợ người đàn ông cần ở rể, chẳng hạn như: Nhà vợ neo người, bố mẹ vợ già yếu… Trong những trường hợp này, vợ chồng bạn không thể nhắm mắt làm ngơ. Nhưng ở rể thế nào để vừa không bị mang tiếng “ở nhờ”, tinh thần lại vừa thoải mái, vui vẻ?
Để trả lời cho câu hỏi “Có nên ở rể nhà vợ không”, trước tiên chúng ta cần biết lý do tại sao đàn ông không muốn ở rể, từ đó tìm ra cách khắc phục hợp tình hợp lý nhất.
Tương như như làm dâu nhà chồng, ở rể nhà vợ cũng tạo áp lực không kém. (Ảnh minh họa)
Tự do cá nhân
Tương tự như ở phụ nữ, đàn ông cũng rất cần sự tự do cá nhân. Thậm chí, điều này ở các ông chồng còn có phần nhỉnh hơn bởi các mối quan hệ làm ăn, bạn bè, giao tiếp, xã hội… Và không phải lúc nào họ cũng có thể buổi sáng ra khỏi nhà, buổi chiều trở về nhà đúng giờ giấc quy định. Liệu sự bận rộn cá nhân này có không ảnh hưởng tới cả một đại gia đình?
Nếu ở rể, tự bản thân người đàn ông cũng ý thức được việc dù đi đâu, làm gì cũng nên về sớm kẻo vợ chờ, bố mẹ vợ đợi cửa. Nhưng nếu không thể sắp xếp giờ giấc về nhà đúng giờ được nhiều lần, một bên là mối quan hệ làm ăn, một bên là ảnh hưởng gia đình… Là người ở giữa, không chỉ đàn ông mà ngay cả với chị em phụ nữ cũng rất khó để dung hòa.
Họ hàng lui tới không thuận tiện
Nếu như hai vợ chồng có nhà riêng thì việc bạn bè hay người nhà chồng tới chơi chắc chắn sẽ thoải mái hơn rất nhiều. Ở rể nhà vợ là một điều khó xử đối với cánh đàn ông. Đôi khi họ muốn hết mình, nhưng dù sao cũng đang trong tâm thế ở nhà vợ, cùng bố mẹ vợ nên trong lòng họ tự động xuất hiện một hàng rào vô hình. Họ hàng tới chơi, thoải mái lắm thì ngồi ăn cùng bữa cơm còn không thì ngồi uống ly nước, mười lăm hai mươi phút lấy cớ ra về. Chẳng ai muốn ở lâu vì ngại phiền phức.
Tiếng nói trong gia đình
Tiếng nói của người đàn ông trong gia đình rất quan trọng. Thông thường, đàn ông là người đưa ra quyết định cuối cùng trước bất cứ việc hệ trọng nào đó trong gia đình. Nhưng trong trường hợp sống tại gia đình vợ, dù muốn hay không muốn thì tiếng nói của người chồng cũng không thể đủ sức thay đổi vấn đề.
Nhất là khi vợ chồng cãi nhau, người vợ kém tinh tế ứng xử không phù hợp khiến người chồng bẽ bàng hoặc “nổi điên”. Nếu sống riêng, chắc chắn cả hai sẽ có những cuộc tranh luận cho “ra ngô ra khoai”. Nhưng sống chung với nhà vợ, bố mẹ vợ nào chẳng thương và ít nhiều bênh vực dù con gái mình sai nên người đàn ông chỉ có thể “thấp cổ bé họng” chịu đựng.
Khó chăm chút gia đình
Ở chung gia đình vợ, nhiều khi có ý tốt nhưng người chồng cũng khó thực hiện. Chẳng hạn nhà cửa, bàn ghế đã cũ muốn sửa sang, thay mới nhưng bố mẹ vợ không thích. Chuyện lớn, chuyện nhỏ cũng phải hỏi ý kiến. Đôi khi hỏi thì lại ngại, không hỏi thì cũng không được…
Ở rể nhà vợ vui hay buồn, tùy thuộc vào suy nghĩ của mỗi người. (Ảnh minh họa)
Đây chính là 4 lý do tiêu biểu nhất, giải thích cho việc tại sao đàn ông không thích ở rể nhà vợ. Biết được lý do, chúng ta sẽ dễ dàng tìm được lời giải.
Nếu hai vợ chồng cùng là người có kinh tế, việc làm ổn định thì việc mua đất xây nhà ở gần ba mẹ vợ là sự lựa chọn hoàn hảo. Ở gần chứ không phải ở chung một nhà, hai bạn – nhất là người chồng sẽ có sự thoải mái nhất định hơn về tinh thần.
Ở gần chứ không phải ở chung, nhà vẫn là của riêng hai vợ chồng. Hai bạn có thể tự do làm những việc mình muốn mà không lo bị cấm cản, càu nhàu. Những khi trái gió trở trời, việc chạy qua chạy lại chăm sóc bố mẹ vợ cũng rất thuận tiện… Vừa làm tròn chữ hiếu, vừa thoải mái về tinh thần.Với những cặp vợ chồng có điều kiện về kinh tế, đây có thể coi là sự lựa chọn phù hợp nhất.
Còn trong trường hợp vợ chồng bạn không thể ra riêng thì sao? Câu trả lời: Hãy là một người vợ tâm lý.
Tâm lý chính là rào cản lớn nhất của người đàn ông. Khi không thể ra riêng, hãy là một người vợ đủ tâm lý để gạt bỏ cảm giác bị phụ thuộc, bị mất đi cái uy của người chồng. Đừng nên ỉ lại vì đây là nhà của mình. Hãy làm hết những việc thuộc trách nhiệm của một người vợ như dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, chăm sóc con cái…
Đôi lần bạn có thể thủ thỉ với bố mẹ về những ưu điểm và thành ý của chồng mình để tạo thiện cảm cũng như sự gắn kết giữa con rể – bố mẹ vợ. Có như vậy, hai nửa yêu thương của bạn mới bắt nhịp hòa hợp hơn.
Những lúc hai người có xích mích, tốt nhất nên kiềm chế sự nóng giận “đóng cửa bảo nhau”. Luôn khắc cốt ghi tâm rằng hai người là một “phe”, dù thế nào cũng nên bảo vệ chứ không phải quay lưng với “đồng đội”.
Mặt khác, tự bản thân người chồng cùng đừng gò bó mình với suy nghĩ “hèn kém” khi ở rể nhà vợ. Nếu đã quyết định gắn kết với người bạn đời thì bố mẹ nào cũng là bố mẹ mình, nhà nào cũng là gia đình mình. Chỉ cần mình nói đúng, làm đúng thì việc to việc nhỏ, nhất định nhận được sự đồng thuận của mọi người. Cuộc sống sẽ đơn giản và dễ thở biết bao, nếu chúng ta suy nghĩ thoáng ra và đơn giản mọi thứ.
Nói tóm lại, mặc dù còn rất nhiều những mặt trái khác không tiện nói ra song dù sống ở đâu, sống với ai thái độ cư xử của chúng ta cũng là thứ quyết định. Cứ sống tốt, cư xử hài hòa mọi việc tự khắc an lành!
Recent comments