Ông xã của Hải Anh thuộc tuýp người như vậy. Không biết nên vui hay buồn, bởi trước đây chính bản tính thoáng đãng là lý do khiến cô rung động, quyết định đi đến hôn nhân với anh. Như bao người con gái khác, ngày ấy Hải Anh chỉ nghĩ rằng lấy chồng dễ chịu cuộc đời mình cũng sẽ thoải mái, không cần nặng lòng suy nghĩ như khi lỡ “vớ” phải ông chồng tính toán, chi li. Tuy nhiên “người tính không bằng trời tính”. Chồng quá thoáng đoãng khiến Hải Anh bao lần rơi vào tình trạng cười không được mà khóc cũng chẳng xong.
Không phải người ích kỷ, nhưng Hải Anh thật chẳng chấp nhận được chuyện mỗi lần tụ tập bạn bè, cuối buổi chồng cô luôn là người đứng ra thanh toán, dù ít dù nhiều, dù đầu tháng mới lãnh lương hay cuối tháng trong túi chẳng còn dư nhiều. Mà giá kể vợ chồng cô giàu thật, bạn bè anh nghèo khổ thật cho cam. Đằng này, bạn bè anh đầy rẫy người quyền cao chức trọng, nhà lầu xe hơi nhưng sau mỗi cuộc chơi vợ chồng cô luôn là người mở ví trả tiền. Góp ý tế nhị chồng bỏ ngoài tai, Góp ý thẳng thừng thì chồng giận “Kiếm tiền thì kiếm cả đời, bạn bè lâu lâu mới gặp hà cơ gì phải so đo?”
Chưa kể, nhiều lúc lãnh lương chưa nóng chỉ cần bạn bè “than nghèo kể khổ”, chồng Hải Anh sẵn sàng rút tiền cho vay mà không quan tâm ngày trả lại. Anh cứ hối thúc sinh con thứ hai cho “có nếp có tẻ”, nhưng tới bây giờ cả gia đình vẫn chật vật trong ngôi nhà thuê chưa đầy 40 mét vuông thì thử hỏi, liệu sau này cuộc sống của mấy mẹ con cô có được đảm bảo? “Tất cả cũng chỉ vì cái tính thoáng quá hóa dĩ diện của anh ta mà ra” – Hải Anh ấm ức.
Cùng “chung số phận” với Hải Anh, chồng của Minh Anh cũng thế. Chỉ khác ở chỗ chồng Minh Anh không có nhiều tiền trong người nên toàn thoáng đãng với bạn bè bằng… hiện vật.
Chả là vợ chồng Minh Anh kinh doanh mô hình VAC (Vườn – ao – chuồng). Nhờ hai vợ chồng trẻ chăm cần cù, chăm chỉ nên ông trời thương, mùa nào cũng cho ao đầy cá, cây đầy trái còn gà, vịt lớn nhanh như thổi. Minh Anh mừng lắm, bởi cứ tình trạng này chỉ chỉ mất tầm 3 năm nữa thôi là vợ chồng cô sẽ trả đủ cả gốc lẫn lãi tiền vay ngân hàng làm kinh tế. Tuy nhiên, bởi tính chồng Minh Anh khá xuề xòa, thoải mái nên từ anh em họ hàng tới bạn bè, bà con làng xóm ai cũng chớp thời cơ lợi dụng.
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Chồng hà tiện quá cũng khổ mà chồng thoáng quá cũng chẳng sung sướng gì cho cam. (Ảnh minh họa)
Ban đầu, nhiều người ghé nhà cô mua con gà, nải chuối trả tiền rất sòng phẳng. Minh Anh cũng sống có tình có nghĩa, chẳng lấy ai đắt rẻ bao giờ. Nhưng còn chồng cô – phần vì đàn ông ngại cầm mấy đồng tiền lẻ, phần còn lại vì tính tình thoáng đãng, xởi lởi nên bà con cô bác thân quen, người nào tới mua chục trứng gà hai mươi ngàn, cân nhãn ba bốn chục ngàn anh đều… cho không cả. Một người mua không trả tiền, mười người rồi cả trăm người tới anh đều cho không, trong khí vốn liếng vẫn phải bỏ ra mua phân bón cây, mua thức ăn cho cá thì thử hỏi, tới bao giờ hai vợ chồng mới trả được hết số tiền nợ vay ngân hàng?
“Nhà người ta làm ăn thì có lãi, nhà mình càng làm càng chỉ thấy báo lỗ. Trách người khác kì cục 1 thì cũng trách chồng mình 10. Ai bảo anh ta “vẽ đường cho hươu chạy” làm chi?” – Hoa tủi thân nhưng cũng chỉ dám tâm sự với mẹ đẻ. Nói những lời này đến tai chồng, kiểu gì anh cũng lên án cô lòng dạ đàn bà eo hẹp, ích kỷ, chỉ biết nghĩ tới bản thân.
Những tháng được mùa thôi thì còn đỡ, nhiều tháng mưa bão triền miên, kinh tế thất thu lại chẳng có tiền dự trữ trước đó khiến cuộc sống của cả gia đình điêu đứng. Giá kể chồng cô đừng “dễ dãi”, giá kể chồng cô keo kiệt mà vun vén vào cho gia đình một chút chắc có lẽ mẹ con cô đã được nhờ.
Hải Anh và Minh Anh chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp “điên đầu vì chồng”… quá tốt, quá thoáng. Đúng là “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.
Nói đi cũng phải nói lại. Vợ chồng sống với nhau về lâu về dài, đừng lúc nào cũng cãi cọ, mặt nặng mày nhẹ hằm hè nhau. Cũng không dễ dàng tìm được một người tốt như vậy làm chồng, lẽ nào chỉ vì vài va chuyện vụn vặt mà kéo nhau ra tòa chia tay? Tuy nhiên, không có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận những nhược điểm “xấu” còn tồn tại bên trong một người “tốt”. Hãy là một người vợ nhân từ nhưng cũng rất thông minh và bản lĩnh để chỉ ra cho chồng hiểu đâu là những điều “cần, và đâu là những điều không cần làm”.
Phải có thái độ cứng rắn để ngăn chặn ngay từ đầu các vấn đề có nguy cơ làm rạn nứt tình cảm gia đình. Nếu cam chịu cho qua, nghĩa là bạn đồng ý sống với nó và sẽ càng ngày càng phải chịu nhiều ấm ức, thiệt thòi nặng hơn.
Lời khuyên là hãy luôn làm một người phụ nữ hiểu lí lẽ và chiều theo ý chồng. Anh ấy muốn đi đâu, bạn có thể làm người đồng hành. Anh ấy muốn tiêu xài gì, với ai, như thế nào cũng hãy để họ được có tiếng nói. Nhưng của chồng công vợ. Gia đình là gia đình chung, tiền của chồng cũng là tiền của vợ và ngược lại. Dù ai kiếm được bao nhiêu, dù nhiều dù ít cũng đều nên sử dụng vào mục đích chung. Nếu muốn sử dụng vào mục đích riêng, ít ra chồng phải bàn bạc với vợ để cả hai cùng đi đến thống nhất chứ không có kiểu “qua mặt” vợ, mặc kệ ra sao thì ra.
Còn nếu rủi, trong trường hợp bạn không thể “uốn nắn” chồng theo cách “mềm mại” thì sao? Nhất định phải thẳng thắn về vấn đề tiền bạc của hai vợ chồng. Chồng có tiền, chồng được tự do xài tiền của mình. Vợ có tiền, vợ cũng được quyền sử dụng tiền của vợ. Nếu vợ hết tiền, vợ không có nghĩa vụ và chồng cũng không được phép lấy tiền của vợ hay tiền của chung đãi bạn đãi bè, tiêu xài hoang phí. Chúng ta sẵn lòng giúp đỡ những người thực sự gặp khó khăn, chứ không phải gặp ai cũng tỏ ra độ lượng. Vả lại, bên cạnh hai vợ chồng còn con cái, còn học hành, nhà cửa, ăn uống… Anh chỉ có thể tự do đãi người này cái kia, cho người này cái nọ nếu con anh không phải đến trường, nhà anh không tốn tiền sơn sửa, điện nước mỗi tháng. Nếu không, anh phải để vợ trực tiếp đứng ra lo toan, vun vén.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể giao việc chi tiêu trong 1 tháng cho chồng. Quay cuồng trong đủ thứ chi phí phát sinh, chắc chắn anh ấy sẽ hiểu việc quá thoáng với người ngoài như vậy là không hợp lý. Chỉ khi trải nghiệm những gì mà vợ mình phải chịu đựng, may ra người chồng mới “tỉnh ngộ”. Tuyệt đối hông được im lặng. Càng giữ trong lòng, càng ấm ức và khiến không khí gia đình thêm căng thẳng, từ đó nảy sinh cãi vã. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình rất cần cách xử sự khéo léo, nhẹ nhàng. Hãy nói chuyện với anh ấy bằng sự thành tâm và công bằng, đừng lúc nào cũng trách móc, đay nghiến anh ấy bởi thực ra bản chất họ đâu phải người xấu?
Cuối cùng, tốt nhất để ngăn chặn mọi chuyện từ trong “trứng nước”, hãy luôn là tay hòm chìa khóa gia đình nhé các chị em!
Recent comments