Mẹ&Con – Con gái tôi sáu tuổi. Cách đây ba ngày, cháu ho và sổ mũi. Đến tối, cháu kêu đau tai, một bên mang tai sưng.
Nguyễn Thu Trang (Q.7, TP.HCM) hỏi: Tôi đo nhiệt độ không thấy cháu bị sốt, đưa đi khám được bác sĩ chẩn đoán quai bị. Sau một đêm ngủ dậy, cháu hết đau, mặt cũng bớt sưng, không sốt và vẫn ăn uống, chơi bình thường. Theo thông tin tôi tìm hiểu, khi mắc bệnh này má sưng đau ít nhất ba ngày mới giảm, đồng thời sẽ sốt cao 39 độ C. Như vậy, con tôi có bị quai bị hay không?
Thạc sĩ – bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 trả lời: Để chắc chắn trẻ có bị quai bị hay không thì có thể siêu âm. Tuy nhiên, bé không sốt, vẫn ăn và chơi bình thường thì không cần phải đưa đến bệnh viện mà nên theo dõi thêm ở nhà.
Các triệu chứng như chị kể có thể là quai bị nhưng do trẻ đã chích ngừa nên khi phát bệnh cũng nhẹ hơn. Có một số ít trường hợp bị quai bị nhưng dấu hiệu bệnh chỉ thoáng qua nên người bệnh không hề hay biết. Quai bị là bệnh lây qua nước bọt và không khí, với người trong gia đình cần cách ly từ sớm, vì bây giờ nếu lây thì cũng đang ủ bệnh.
Quai bị là bệnh lành tính, biểu hiện chung là sưng một hoặc cả hai bên mang tai, sốt cao, mệt mỏi, khó khăn khi ăn uống. Bệnh không có thuốc đặc hiệu nhưng nếu được chăm sóc tốt, dinh dưỡng nâng cao thể trạng thì sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày.
Một số ít có thể bị biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới và viêm buồng trứng ở nữ. Ngoài ra, biến chứng nguy hiểm hơn là viêm màng não… Khi mắc quai bị, bệnh nhân phải hạn chế chạy nhảy để tránh biến chứng. Nếu thấy tức bụng (nữ giới), đau tinh hoàn (nam giới) thì phải đi khám ngay để được xử lý kịp thời.
Link bài báo: https://www.phunuonline.com.vn/suc-khoe/chi-sung-ma-khong-sot-co-phai-la-quai-bi-149994/
Theo Thanh Huyền (Báo Phụ nữ)
Recent comments