Single Blog

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời 24 giờ đầu

Mẹ&Con – Cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời không hề đơn giản, ngay cả với những bà mẹ đã có kinh nghiệm. Đặc biệt, 24 giờ đầu sau sinh, mẹ sẽ rối tung, căng thẳng vì không biết xử trí ra sao những vấn đề của con. Cùng tìm hiểu trước những kiến thức chăm bé mới sinh để khoảnh khắc đầu đời này là trải nghiệm đáng nhớ chứ không khủng khiếp nhé!

 

Da kề da với bé

Da kề da đơn giản giống như tên gọi của nó: ôm trẻ sơ sinh không mặc quần áo trên ngực trần của người mẹ.

Theo các nghiên cứu khoa học, cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời bằng cách lập tức đặt bé lên ngực mẹ sau khi sinh mang lại rất nhiều lợi ích. Cho bé nằm trên người mẹ giúp bé cảm nhận được mùi cơ thể, nhịp tim và hơi thở của mẹ. Nhờ đó, bé có cảm giác an toàn, ít khóc hơn và bú mẹ hiệu quả hơn. Ngoài ra, hơi ấm từ cơ thể mẹ còn giúp bé tránh tình trạng hạ thân nhiệt rất tốt.

Da kề da sau sinh cũng mang lại lợi ích tuyệt vời cho mẹ. Được ôm ấp con vào lòng sẽ kích thích cơ thể mẹ giải phóng oxytocin, chất hóa học tạo cảm xúc tích cực tự nhiên. Hơn nữa, oxytocin còn là một loại hóc-môn kích thích quá trình tiết sữa, tức là khi mẹ da tiếp da với bé càng sớm thì sữa về càng nhanh và nhiều.

Các nghiên cứu còn chứng minh rằng, phương pháp da kề da còn giúp tử cung của mẹ co hồi tốt và tránh băng huyết sau sinh.

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời bằng phương pháp trên thường được áp dụng đối với các bé sơ sinh khỏe mạnh. Tuy nhiên, phương pháp này cũng được chứng minh rất có lợi cho những trẻ sinh non. Hệ thống hô hấp, tuần hoàn và nhiệt độ của trẻ sinh non sẽ ổn định hơn khi được tiếp xúc da kề da trong 6 giờ đầu sau sinh so với trẻ được nằm trong lồng ấp.

Cho bé bú sữa mẹ

Rất cần thiết cho bé bú ngay sau 1 giờ sinh, để tận dụng nguồn sữa non (dung dịch màu vàng). Tuy nguồn sữa non này rất ít chỉ khoảng 3 – 5ml nhưng nó lại là nguồn dinh dưỡng quý giá dành cho bé. Sữa non chứa nhiều kháng thể tự nhiên giúp bé chống đỡ bệnh tật trong khoảng thời gian đầu đời. Ngoài ra, sữa non còn có tác dụng nhuận tràng nhẹ giúp làm sạch ruột bé mà vẫn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.

Ngày đầu tiên sau khi chào đời, dạ dày của bé giống như trái táo nhỏ, có dung tích khoảng 5 – 6ml. Như vậy, dung tích dạ dày của bé sẽ gần bằng lượng sữa non mà mẹ có ngay sau khi sinh. Chính vì thế, mẹ có thể yên tâm cho con bú hết lượng sữa non là bé đủ no. Sau đó, cứ khoảng 2 – 2,5 tiếng, mẹ lại cho bé bú một lần hoặc khi bé có các biểu hiệu đòi bú (cựa quậy, há miệng), không nên đợi đến khi bé khóc mới cho bú. Mỗi lần cho bé bú, mẹ chỉ cần cho bé bú theo nhu cầu cho đến khi bé thấy đủ và tự nhả vú. Những ngày tiếp theo, dạ dày của bé sẽ giãn nở khi đó lượng sữa cho con bú cũng tăng dần.

Trong những ngày đầu đời, trẻ sơ sinh ngủ nhiều hơn thức, điều đó là bình thường, vì hệ thần kinh của bé chưa hoàn thiện. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời lúc này là mẹ cần chú ý cho bé bú khi mà sau 2,5 giờ bé chưa bú, để tránh hạ đường huyết.

Tiêm mũi vắc xin đầu tiên

Đó chính là tiêm vắc xin viêm gan B. Mũi tiêm này cần thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao, với mũi tiêm trong 24 giờ có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50-57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày.

Thông thường, ở cơ sở y tế (nơi các mẹ sinh bé) sẽ có quy định tiêm phòng viêm gan B cho trẻ. Tốt nhất, mẹ cần chủ động hỏi bác sĩ để đảm bảo bé sẽ được tiêm mũi vắc xin này.

Cho con ngủ đúng cách

Bé sơ sinh trong ngày đầu đời dường như ngủ suốt cả ngày và đêm. Bé chỉ dậy khi đói, đi vệ sinh (đại tiện, tè ướt tã lót). Bên cạnh đó, do thể tích dạ dày nhỏ nên bé sẽ nhanh đói. Sau 1-2 tiếng, bé có thể thức dậy, khóc và đòi ăn.

Tư thế ngủ của bé trong 24 giờ đầu tiên có thể giống hệt như tư thế lúc bé còn trong bụng mẹ. Bé sẽ nằm ở tư hơi co lại, cằm kéo sát vào ngực, tay nắm chặt, chân tay co lại về phía người. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời khi ngủ là mẹ có thể quấn chăn cho bé để tạo cảm giác ấm áp và chật chội giống như trong bụng mẹ sẽ giúp bé ngủ ngon giấc và không bị giật mình.

Theo dõi bé đi vệ sinh

Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ sẽ thay khoảng 5 chiếc bỉm/ tã ướt một ngày. Trẻ bú sữa công thức có thể thay bỉm/ tã nhiều hơn, khoảng 5-10 cái mỗi ngày.

Trẻ bú sữa mẹ có xu hướng đại tiện nhiều hơn trẻ bú sữa công thức. Do chất dinh dưỡng trong sữa công thức tiêu hóa lâu hơn, nên trẻ bú sữa công thức đại tiện ít hơn. Trẻ bú sữa mẹ thường đại tiện 4 lần hoặc nhiều hơn, trong khi đó trẻ bú sữa công thức đại tiện khoảng 1-3 lần tùy từng bé.

Lần đại tiện đầu tiên của bé, bé sẽ đại tiện ra phân su – phân có màu đen xanh và dính. Nếu phân của bé có những bất thường như chứa chất nhầy màu trắng hoặc sọc hay đốm đỏ, mẹ cần đưa bé đi khám vì đây có thể là dấu hiệu nguy hiểm.

Trẻ bú sữa mẹ thường đi phân lỏng hơn trẻ bú sữa công thức. Điều này khiến nhiều mẹ chưa có kinh nghiệm nhầm lẫn với việc bé bị tiêu chảy. Mẹ nên nhớ không tùy tiện chẩn đoán, tự ý mua thuốc cho con uống, mà cần thực hiện theo chỉ dẫn của bác sỹ chuyên khoa.

Chăm sóc rốn cho bé

Ngày nay, việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh thường được các y tá thực hiện trong những ngày đầu khi mẹ và bé còn ở viện. Tuy nhiên, mẹ cũng cần để ý xem rốn của con có bị nhiễm trùng hay không, nếu thấy có hiện tượng như sưng phù, tấy đỏ, rỉ dịch, có mùi hôi… thì đây là các dấu hiệu nguy hiểm cần nhanh chóng thông báo cho bác sĩ để được xử lý kịp thời

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời trong vòng 24 giờ với phần rốn thì mẹ có thể để rốn của bé hở hoàn toàn, không cuốn băng. Điều đó giúp cho rốn của bé mau khô hơn và không bị nhiễm trùng, cũng không nhất thiết phải thoa thuốc sát trùng lên rốn bé.

 

Recent comments

*
*
*

Recent Posts

Archives