Single Blog

Cách kiểm soát cân nặng thai kỳ để không gây ra béo phì

Mẹ&Con – Mẹ bầu tăng cân quá nhiều làm tăng nguy cơ mắc các chứng cao huyết áp, béo phì, tiểu đường thai kỳ dẫn đến sảy thai hoặc sinh non. Bên cạnh đó, việc tăng cân quá nhiều khi mang thai sẽ khiến em bé sinh ra đối mặt với các vấn đề sức khỏe khi lớn lên.

Như chúng ta đề biết, việc tăng cân khi mang thai là cần thiết. Nó là dấu hiệu cho biết sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi đều khỏe mạnh. Tuy nhiên, việc tăng cân hợp lý thì không phải mẹ nào cũng biết. Nếu tăng cân quá nhiều hoặc quá ít trong thai kỳ cũng đều ảnh hưởng xấu đến bé. Vì thế, mẹ cần biết cách kiểm soát cân nặng thai kỳ để đảm bảo sức khỏe cho cả hai.

Tăng cân bao nhiêu là đủ khi mang thai?

Trên thực tế, tùy vào cơ địa của mỗi người mà việc kiểm soát cân nặng thai kỳ sẽ khác nhau. Tuy nhiên, mẹ có thể dựa trên chỉ số BMI của cơ thể trước khi mang bầu để tìm hiểu cân nặng của bà bầu như thế nào là hợp lý (BMI là chỉ số cân nặng hay chỉ số khối của cơ thể, viết tắt của từ tiếng anh Body Mass Index, được dùng để tính toán mức độ mập hay ốm của một người trưởng thành do Adolphe Quetelet đưa ra vào năm 1832).

Kiểm soát cân nặng thai kỳ (Ảnh minh họa)

Công thức tính: BMI = Cân nặng (kg)/ (Chiều cao x chiều cao ) (m)

• Nếu chỉ số BMI thấp hơn 18,5, nghĩa là quá gầy, mẹ cần tăng từ 12 đến 18 kg trong suốt thai kỳ.

• Nếu chỉ số BMI từ 26 đến 29, nghĩa là thừa cân, mẹ nên tăng từ 7 đến 12 kg để đảm bảo cho một thai kỳ khỏe mạnh.

• Nếu béo phì, tức là chỉ số BMI cao hơn 29, mẹ chỉ nên tăng từ 6 đến 11 kg, thậm chí ít hơn.

• Nếu chỉ số BMI ở mức trung bình, tức là từ 18,5 đến 26, mẹ nên tăng từ 10 đến 12 kg, đây cũng là tiêu chuẩn tăng cân trung bình của phụ nữ mang thai.

Theo bác sĩ Trần Vũ Quang – Bệnh viện Phụ sản Trung ương, người mẹ thiếu cân trước khi mang thai nên tăng 12,7-18,3kg, còn với sản phụ béo phì chỉ nên tăng 7-11,3kg.

Cách kiểm soát cân nặng thai kỳ để không gây ra béo phì

Dinh dưỡng

Dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cân nặng của mẹ bầu, đặc biệt trong ba tháng cuối. Vì thế, mẹ bầu cần lưu ý những vấn đề sau đây:

– Lựa chọn chất béo phù hợp: chất béo chiếm 25-30% trong tổng số năng lượng nạp vào cơ thể mỗi ngày. Mẹ bầu nên lựa chọn những loại chất béo lành mạnh từ dầu oliu, bơ, các loại hạt… Hạn chế các chất béo bão hòa từ pho mát, kem và thức ăn nhanh.

– Không ăn quá nhiều tinh bột: Tinh bột là nhóm thực phẩm quen thuộc trong các bữa ăn chính. Nó giúp chống đói hiệu quả nhưng cũng khiến mẹ bầu tăng cân nhanh chóng. Mẹ có thể giảm lượng tinh bột hấp thụ vào cơ thể bằng cách ăn khoai thay cơm. Khoai có lượng tinh bột vừa phải, chứa nhiều vitamin và ngăn ngừa táo bón khi mang thai.

– Không lạm dụng nước ép trái cây: Nước ép trái cây chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, lượng đường cao trong nước ép là nguyên nhân khiến mẹ bầu tăng cân nhiều. Vì vậy, mỗi ngày mẹ bầu chỉ nên uống một ly nước ép, khi pha không cho quá nhiều đường và sữa đặc.

– Thận trọng với đồ ăn vặt: Ăn vặt là một đặc trưng của các mẹ bầu. Tuy nhiên, chất đường và chất béo có trong các loại bánh kẹo khiến mẹ bầu tăng cân mất kiểm soát. Vì vậy, mẹ bầu hãy giảm lượng thức ăn vặt lại để tránh tăng cân nhé.

Dinh dưỡng hợp lý dành cho bà bầu (Ảnh minh họa)

Uống đủ nước

Như chúng ta đều biết, nước rất quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt là phụ nữ mang bầu. Thiếu nước sẽ khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi khó chịu, đôi khi là thèm ăn do đói. Chính vì thế, mẹ bầu nên cung cấp đủ 2 lít nước mỗi ngày. Việc cung cấp đủ nước cho cơ thể không chỉ giúp các cơ quan hoạt động tốt mà còn giúp việc kiểm soát cân nặng thai kỳ diễn ra hiệu quả.

Vận động tập thể dục

Vận động là phương pháp hiệu quả nhất vừa giúp mẹ tăng cường sức khoẻ, nâng cao sức đề kháng vừa tránh tăng cân quá mức trong thai kỳ. Đồng thời, việc tập thể dục còn giúp mẹ bầu thuận lợi trong quá trình chuyển dạ. Vì thế, mẹ nên tận dụng thời gian để tập những động tác nhẹ nhàng, đơn giản như yoga, bơi lội hoặc đi bộ nhé.

Nghỉ ngơi hợp lý

Giấc ngủ đặc biệt quan trọng, không kém việc ăn uống đúng cách và tập luyện thể dục để giúp kiểm soát cân nặng thai kỳ. Một nghiên cứu trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ phát hiện ra rằng, mức tiêu hao năng lượng lúc nghỉ ngơi của người có giấc ngủ bình thường, lượng calo bị đốt cháy khi không hoạt động cao hơn 5% so với những người không ngủ đủ giấc. Họ cũng đốt cháy nhiều hơn 20% calo sau bữa ăn so với những người thiếu ngủ.

Thăm khám bác sĩ định kỳ

Mỗi lần khám thai định kỳ, mẹ cần hỏi bác sĩ về hướng kế tiếp mà bản thân cần phải thực hiện. Các bác sĩ chuyên môn sẽ biết đâu là mức cân nặng chuẩn ở từng giai đoạn mang thai. Tùy theo cách trả lời của bác sĩ mà mẹ điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của mình để cân nặng luôn nằm trong tầm kiểm soát. Đồng thời, trong quá trình khám thai mẹ bầu nên làm các xét nghiệm kiểm tra tình trạng thiếu máu, đường huyết và đo huyết áp định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Recent comments

*
*
*

Recent Posts

Archives