Chế độ dinh dưỡng của mẹ cuối thai kỳ cần bao gồm những thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao. Giai đoạn này, bạn có thể tăng tới 6-7kg nên đừng ngần ngại bồi bổ cho mình hơn một chút. Tuy nhiên, xin lưu ý rõ việc bồi bổ này cần thực hiện hợp lý, vì trường hợp tăng cân quá mức, ăn quá nhiều chất béo, mỡ động vật, chất ngọt lại có thể dẫn đến nguy cơ tiểu đường, phù nề, khiến thai quá lớn gây khó khăn cho việc sinh nở một cách bình thường.
Các nhóm thực phẩm cơ bản phải được đảm bảo đầy đủ cuối thai kỳ là:
– Nhóm chất bột gồm: gạo, mì, ngô, khoai, sắn…
– Nhóm chất đạm gồm: thịt, cá, trứng, tôm cua, đậu đỗ…
– Nhóm chất béo gồm: dầu, mỡ, vừng, lạc…
– Nhóm vitamin – chất khoáng gồm: rau xanh và quả chín. Các vi chất cơ thể mẹ rất cần trong 3 tháng cuối thai kỳ bao gồm chất sắt, canxi, magiê, kẽm, vitamin B, axit folic, vitamin A, C, E, D và beta-caroten. Bạn cần có thực đơn phong phú để đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ các vi chất này.
Cuối thai kỳ, mỗi ngày cơ thể mẹ cần khoảng 2.550 kcal. Khẩu phần đạm giai đoạn này cần tăng cao để đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi. Mẹ cần ăn nhiều thịt nạc, cá, một số loại hải sản nếu như không bị dị ứng. Còn với vitamin và khoáng chất, có thể ăn nhiều tôm, cua, đậu các loại, rau quả, trái cây, gan heo, xương… vốn là những món có chứa nhiều vi chất cần thiết cho mẹ và thai nhi lúc này.
Chuyện… uống
Cuối thai kỳ, bạn cần chú trọng đến lượng nước cung cấp cho cơ thể, để đảm bảo đủ lượng nước ối cần thiết, làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, không bị táo bón. Đó là chưa kể việc uống đủ nước lúc này còn ngăn chặn được những cơn co thắt tử cung dễ dẫn đến sinh non, vì khi mất nước, cơ thể sẽ sản sinh ra các hormone kích thích cơn co thắt.
Bạn có thể uống khoảng 2,5-3 lít nước/ngày. Không cần uống một lần mà chia nhỏ ra thành từng chút, mỗi lần uống một ít.
Bên cạnh nước lọc, có thể bổ sung cho cơ thể nước dừa (1 trái/ngày), nước ép trái cây, nước canh… Hạn chế nước ngọt có gas, các loại nước đóng chai, cà phê và tránh hẳn bia rượu.
Đặc biệt, cuối thai kỳ, thai nhi sẽ hoàn thiện việc phát triển xương. Vì vậy, nếu chế độ ăn của bạn không đủ Canxi, lượng Canxi từ cơ thể bạn sẽ chuyển sang cho em bé và điều này sẽ gây nguy cơ mắc bệnh loãng xương cho bạn trong những năm tiếp theo. Mỗi ngày bạn cần bổ sung khoảng 1.500mg Canxi. Để đảm bảo đủ canxi, nên uống sữa trong 3 tháng cuối thai kỳ. Trong trường hợp cơ thể bạn khó khăn với việc hấp thụ sữa, hễ uống vào là có dấu hiệu đi ngoài, khó chịu thì có thể thay sữa bằng sữa chua.
Recent comments