Single Blog

Có thể bạn chưa hiểu đúng về chuyện nên sinh con trước hay sau 30 tuổi

Mẹ&Con – Nhiều chị em băn khoăn là nên sinh con trước hay sau 30 tuổi. Thực tế, mỗi độ tuổi sinh con đều có ưu nhược điểm riêng mà có thể bạn chưa biết.

 

Ưu điểm và nhược điểm khi sinh con trước tuổi 30

Ưu điểm

Hầu như chúng ta đều được khuyến cáo rằng độ tuổi sinh con tốt nhất của phụ nữ là từ 23 đến 30 tuổi. Theo nghiên cứu và thống kê, tố chất chỉnh thể của trẻ khi sinh ra trong giai đoạn này đều tốt hơn so với trẻ cùng trang lứa.

Nhiều phụ nữ thường băn khoăn sinh con ở độ tuổi nào là tốt nhất – Ảnh minh họa: Internet

Nguyên nhân là ở độ tuổi này, sự phát triển cơ thể của nữ giới gần như đã đạt đến độ “chín”, chất lượng trứng cũng rất cao nên mang thai sẽ giúp thai nhi càng có cơ hội phát triển vượt trội.

Không những vậy, sau khi sinh con, cơ thể mẹ cũng phục hồi dễ dàng và thuận lợi hơn, có thể nói là ít để lại ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của mẹ về sau.

Nhược điểm

Độ tuổi khoảng hai mươi mấy chính là những năm tương đối “tự do”, thậm chí là có phần phóng túng nhất của tuổi trẻ. Lúc này, bạn có thể đã tốt nghiệp đi làm và không bị bố mẹ quản lý nghiêm như trước nữa.

Do đó, trong mọi sinh hoạt có thể bạn sẽ hình thành nhiều thói quen không tốt, không quá chú trọng đến sức khỏe cộng với việc tâm lý chưa thật sự chín chắn, thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên có con vào giai đoạn này sẽ khiến các ông bố bà mẹ lúng túng, gặp nhiều khó khăn, chuyện chăm sóc và nuôi dạy con cũng bị ảnh hưởng.

Ưu điểm và nhược điểm khi sinh con sau tuổi 30

Ở độ tuổi chín chắn, em bé luôn được nuôi dạy chu đáo và toàn diện hơn – Ảnh minh họa: Internet

Ưu điểm

Ngay từ khi bước vào độ tuổi khoảng 30 thì con người có thể xem là đủ trưởng thành và không ít kinh nghiệm sống. Thái độ và sự sáng suốt khi đối mặt với mọi vấn đề ở phụ nữ cũng mạnh mẽ hơn.

Mặc dù có con ở tuổi 30 trở đi thường được xếp vào nhóm “mẹ lớn tuổi” nhưng lúc này, bạn sẽ có những suy nghĩ và hành động chăm sóc lẫn nuôi dạy trẻ chu đáo, toàn diện hơn. Đồng thời, khi đến tuổi này, dù là phái yếu thì đa số cũng đã có nền tảng kinh tế khá ổn định, đảm bảo cho con có môi trường sống ưu việt hơn.

Nhược điểm

Sinh con sau tuổi 30 đòi hỏi mẹ phải thận trọng hơn – Ảnh minh họa: Internet

Bên cạnh những điểm tích cực khi sinh con sau tuổi 30 thì rõ ràng, phụ nữ ở độ tuổi này chức năng buồng trứng đã bắt đầu suy giảm, khả năng sinh dục cũng không còn tốt như thời trẻ.

Nếu không được chuẩn bị và kiểm tra đầy đủ, nguy cơ thai nhi dị dạng hoặc mắc các bệnh biến chứng trong thai kỳ là rất cao. Em bé sau khi sinh ra cũng có hệ miễn dịch kém hơn những trẻ khác.

Sinh con ở tuổi sau 30, mẹ cần chú ý gì?

Mẹ nên kiểm tra sức khỏe tốt để trẻ sinh ra được khỏe mạnh – Ảnh minh họa: Internet

Chú ý các bệnh mãn tính

Cao huyết áp và tiểu đường rất có nhiều khả năng xuất hiện trong thai kỳ của mẹ lớn tuổi, đặc biệt rất thường gặp ở phụ nữ độ tuổi từ 30 đến 40. Vì vậy, các chuyên gia luôn khuyến cáo trước khi có kế hoạch mang bầu, mẹ nên kiểm tra sức khỏe tổng quát để kịp thời điều trị bệnh nếu có. Đồng thời, trong suốt thai kỳ cũng phải có các xét nghiệm đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.

Giải tỏa áp lực tâm lý

Có con thì phụ nữ nào cũng lo lắng, nhưng với mẹ lớn tuổi thì áp lực càng nhiều hơn vì các vấn đề sức khỏe của bản thân lẫn em bé trong bụng. Do đó, bạn nên tìm hiểu kỹ mọi việc liên quan đến sức khỏe thai sản để an tâm hơn. Ngoài ra, người thân nên tích cực chia sẻ, đỡ đần cho mẹ bầu để tâm trạng luôn vui vẻ, thoải mái.

Dù sinh con ở độ tuổi nào thì mẹ vẫn cần giữ tâm trạng vui tươi, tích cực – Ảnh minh họa: Internet

Đừng chủ quan dị tật ở thai nhi

Độ tuổi sinh con càng lớn, nguy cơ thai nhi bị dị dạng càng cao. Trong suốt thai kỳ, mẹ cần đảm bảo các kiểm tra, xét nghiệm đầy đủ để có thể sớm phát hiện biểu hiện bất thường ở em bé. Ngoài ra, vấn đề ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt của mẹ bầu cũng phải thận trọng hơn để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.

Theo Hoài Ngọc (phunusuckhoe.vn)

 

 

 

Recent comments

*
*
*

Recent Posts

Archives