Sốt phát ban là bệnh do vi rút thông thường gây ra, bệnh khá lành tính. Trong khi đó, sởi là bệnh do bị nhiễm vi rút cấp tính. Hai bệnh này có những triệu chứng gần giống nhau. Tuy nhiên, mẹ vẫn có thể phân biệt được đâu là dấu hiệu sởi ở trẻ nhỏ và sốt phát ban dựa vào một số khác biệt cơ bản.
Dấu hiệu sởi ở trẻ nhỏ
Giai đoạn ủ bệnh
Bệnh sởi có thể ủ bệnh từ 7-21 ngày trong cơ thể bé mà không có biểu hiện gì.
Giai đoạn khởi phát
Giai đoạn này, dấu hiệu sởi ở trẻ nhỏ là sốt nhẹ, kèm theo hắt hơi, sổ mũi, đau họng, mắt bị đỏ, chảy nước mắt, một số trường hợp mí mắt sưng dính chặt vào nhau.
Giai đoạn mọc ban sởi
Giai đoạn mọc ban sởi thường kéo dài từ 3-4 ngày. Các nốt ban sởi mọc ở tai trước tiên rồi lan ra các bộ phận khác (ngực, bụng, lưng, chân) rất nhanh. Ban sởi thường có màu đỏ to từ 1-1,5 mm, không gây ngứa. Trong giai đoạn này, trẻ liên tục bị cơn sốt cao hành hạ.
Giai đoạn lui bệnh
Nếu không có biến chứng gì thì những ban sởi tự nhiên xuất hiện thì cũng tự nhiên biến mất. Trẻ sẽ hoàn toàn hết sốt và không có bất kỳ biểu hiện gì về sức khỏe nữa. Thế nhưng, các nốt ban bay đi sẽ để lại những vết thâm, vết vằn trên da trông như da hổ.
Phân biệt phát ban do sởi và phát ban thông thường
Sốt phát ban và bệnh sởi đều có biểu hiện như sốt nhẹ hoặc sốt cao 38 – 39 độ C, xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ, nhức mỏi các cơ bắp, biếng ăn, bú ít, một số trẻ có thể bị nôn ói hoặc tiêu chảy.
Sốt phát ban do sởi: Ban sẽ xuất hiện ở tai trước tiên. Sau đó ban lan ra mặt, dần xuống ngực, bụng rồi lan toàn thân. Ban sẽ biến mất theo đúng thứ tự nó đã nổi lên. Ban do sởi thường sần sùi, gồ lên mặt da. Sau khi bay thì ban để lại vết thâm.
Sốt phát ban thông thường: Trẻ sẽ phát ban đồng loạt sau khi giảm sốt. Các nốt ban đỏ mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, sau khi bay cũng không để lại sẹo hoặc vết thâm.
Chăm sóc trẻ mắc sởi ngay tại nhà
- Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành.
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ mắc bệnh.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ để tránh nhiễm khuẩn: lau người bằng nước ấm, tránh để lạnh, vệ sinh mắt mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% 3 lần/ ngày, lau miệng với khăn nhúng nước đun sôi để nguội, với trẻ lớn có thể cho bé súc miệng bằng nước muối loãng…
- Tạo không gian thoáng mát trong phòng của trẻ, đồ chơi hay vật dụng cá nhân của trẻ cần được tẩy trùng bằng dung dịch sát khuẩn thường xuyên.
- Cắt móng tay của bé, tránh bé gãi ngứa làm trầy xước da dẫn tới nhiễm trùng.
- Mặc quần áo rộng thoáng cho trẻ. Quần áo của bé tốt nhất nên được giặt bằng nước nóng, phơi nơi có nhiều ánh nắng mặt trời và thoáng gió. Nếu quần áo ẩm lâu khô thì nên dùng máy sấy và là ủi nóng để diệt khuẩn.
Lưu ý:
- – Không kiêng khem trong chế độ dinh dưỡng khiến sức đề kháng của con ngày càng kém đi.
- – Thức ăn của bé nên chế biến mềm và dễ tiêu, đồng thời cần tránh các loại gia vị gây khó tiêu.
- – Trẻ nhỏ cần được bú mẹ đầy đủ. Với các bé lớn cần đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là thực phẩm chứa nhiều vitamin A, C như cà rốt, bí đỏ, cà chua, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu…
- – Cho trẻ uống nhiều nước.
Recent comments