Mẹ&Con – Có một thai kỳ khỏe mạnh là điều mà bất cứ mẹ bầu nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, những rủi ro trong quá trình mang thai là điều không thể nào lường trước được. Một trong những rủi ro mẹ bầu hay gặp là mắc đa nang buồng trứng khi mang thai. Nếu bệnh không được kiểm soát tốt và điều trị đúng cách thì mẹ rất dễ đối mặt với nguy cơ sảy thai.
Đa nang buồng trứng (PCOS) là một loại rối loạn nội tiết và mất cân bằng hóc-môn gây ra. Bị buồng trứng đa nang khi siêu âm sẽ thấy số nang trứng trong buồng trứng phát triển nhiều với các kích thước khác nhau nhưng lại không chứa trứng hoặc trứng không phát triển được, hoặc trứng không thể ra ngoài nang trứng để gặp tinh trùng diễn ra quá trình thụ thai.
Dấu hiệu mẹ bầu bị buồng trứng đa nang
Dấu hiệu để nhận biết bệnh đa nang buồng trứng khá mơ hồ. Bệnh chỉ được phát hiện khi đi siêu âm, khám thai thấy có hình ảnh buồng trứng đa nang. Một số dấu hiệu thường gặp là:
– Tình trạng lông rậm: Lông tóc, tay, chân phát triển mạnh do sự tăng nồng độ hóc-môn nam trong máu (testosterone). Tình trạng này sẽ nặng hơn trong suốt thai kỳ do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Điều này sẽ khiến mẹ bầu tự ti, trầm cảm. Theo nghiên cứu có đến 92%, chị em nhiều lông trên cơ thể cho kết quả bị đa nang buồng trứng.
– Tình trạng rụng tóc, da mặt nhờn nổi mụn, ngực nhỏ hoặc không phát triển do rối loạn nội tiết tố.
– Tình trạng thừa cân, béo phì do rối loạn nội tiết tố nên lượng mỡ trong cơ thể phân bố không đều. Đây là dấu hiệu thường gặp ở người bị đa năng buồng trứng.
Ảnh hưởng của bệnh đa nang buồng trứng khi mang thai
– Bị buồng trứng đa nang, mẹ bầu sẽ có nguy cơ sảy thai cao, nguyên nhân do ảnh hưởng từ hóc-môn buồng trứng tiết ra.
– Nguy cơ tiền sản giật, nhiễm độc thai nghén. Tình trạng này thường xuất hiện sau tuần 20 của thai kỳ, do huyết áp, lượng protein tăng cao.
– Tiểu đường (đái tháo đường) thai kỳ: Bị buồng trứng đa nang khi mang thai nếu mẹ không kiểm soát lượng đường vào cơ thể, thai nhi có thể phát triển to bất thường, khó sinh và gây nhiều biến chứng.
– Sinh non và các nguy cơ liên quan: Do các nang trứng phát triển với số lượng lớn sẽ làm xoắn buồng trứng, gây áp lực và chèn ép lên thai nhi. Thai sẽ dễ bị bong ra khỏi tử cung và có thể bị đẩy ra ngoài. Chính vì vậy, chị em mắc buồng trứng đa nang có thể sinh non khi chưa tới 37 tuần, và tất nhiên, điều này sẽ khiến trẻ sinh non sẽ gặp nhiều vấn đề sức khỏe.
Cách điều trị
Để điều trị buồng trứng đa nang khi mang thai, trước tiên chị em cần nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám. Bác sĩ sẽ là người đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho mẹ bầu để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của cả hai mẹ con. Đồng thời với đó, chị em cần lưu ý những vấn đề sau để hỗ trợ điều trị cải thiện nhanh chóng bệnh lý của mình.
– Cần có chế độ ăn uống hợp lý và khoa học, kết hợp với vận động đúng cách để thai nhi phát triển bình thường, khỏe mạnh.
– Mẹ bầu hỗ trợ nội tiết tố nhau thai (không quá 16 tuần đầu). Nhau thai và hoàng thể tiết ra hCG, chất này có trong 12 – 16 tuần đầu thai nghén.
– Nên bổ sung axit folic và vitamin B12 giúp thai khỏe mạnh, ổn định, phòng tránh sảy thai.
– Mẹ bầu cần ăn đầy đủ các chất đạm, tinh bột, chất béo, vitamin, và khoáng chất, trong đó chất đạm nên tăng cường nhiều hơn để thai nhi phát triển tốt.
– Mẹ bầu cũng cần lưu ý uống thuốc đầy đủ: sắt, canxi, vitamin tổng hợp để phòng thiếu sắt, thiếu canxi và giúp cơ thể khỏe mạnh, không bị nghén.
Lưu ý khi bị đa nang buồng trứng khi mang thai
– Phụ nữ mắc bệnh buồng trứng đa nang khi mang thai sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh khác như: tiểu đường thai kỳ, tăng cân, tiền sản giật… Vì vậy, trong 9 tháng thai kỳ, chị em cần được theo dõi sát sao.
– Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về điều trị tại nhà khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Điều này có thể gây ra những tác động xấu đến hai mẹ con.
– Tốt nhất là nếu nghi ngờ bị buồng trứng đa nang khi mang thai, chị em nên chọn theo một bác sĩ sản khoa tốt về buồng trứng đa nang, cũng như đến bệnh viện sớm nhất khi có dấu hiệu bất thường để đảm bảo không có bất trắc xảy ra với thai kỳ.
Recent comments