Single Blog

Giảm trí nhớ sau sinh, làm cách nào để cải thiện?

Mẹ&Con – Ra chợ để mua tôm nhưng tới nơi lại không nhớ nổi mình muốn mua gì, cầm bình sữa của con trên tay mà cứ hỏi “Bình sữa đâu nhỉ?”… là những biểu hiện giảm trí nhớ sau sinh của các mẹ. Nếu mẹ cũng đang gặp phải tình trạng này, đừng bỏ qua những thông tin trong bài viết dưới đây.

Não bộ có chức năng tiếp thu, lưu giữ và xử lý những thông tin nhận được. Suy giảm trí nhớ sau sinh là tình trạng ghi nhớ thông tin của não bộ bị giảm sút. Đây không chỉ là vấn đề của riêng người già, mà phụ nữ trẻ sau sinh cũng rất hay gặp phải.

Hơn 90% chị em sau khi sinh thường rơi vào tình trạng suy giảm trí nhớ, mất trí, lẫn, đãng trí. Mẹ sau sinh suy giảm trí nhớ sẽ có biểu hiện như: làm trước quên sau, rất khó tập trung và ghi nhớ, hay mất đồ, để quên đồ. Điều này khiến công việc, cuộc sống thường ngày của mẹ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Chứng nhớ nhớ, quên quên như người “mất não” của chị em sau sinh bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do rối loạn các hormon trong cơ thể khi mang thai. Sự rối loạn của các hormon kéo theo rối loạn hoạt động cơ bản của các tế bào thần kinh ở não, trong đó có các trung khu liên quan đến trí nhớ với chức năng ghi nhớ, xử lý thông tin.

Ngoài ra, suy giảm trí nhớ sau sinh còn liên quan đến thiếu hụt chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu sắt làm giảm tuần hoàn não, thiếu máu lên não. Bên cạnh đó, những căng thẳng và lo lắng về việc vừa phải chăm sóc con, vừa làm những công việc khác, mặc cảm vì ngoại hình xuống cấp, thiếu sự quan tâm, chia sẻ của người chồng hay thiếu ngủ… cũng làm mẹ ngày càng trở nên “đãng trí” hơn.

Tuy nhiên, mẹ cũng đừng quá lo lắng, vì hiện tượng suy giảm trí nhớ chỉ là tạm thời và có thể tự khỏi trong khoảng 2 năm. Thậm chí, tình trạng này sẽ hồi phục sớm hơn nếu mẹ có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn, làm việc sau khi sinh khoa học và hợp lý.

Hơn 90% chị em rơi vào tình trạng suy giảm trí nhớ sau sinh. (Ảnh minh họa)

Giải pháp cho mẹ suy giảm trí nhớ sau sinh

Chia sẻ áp lực với người thân

Đừng một mình ôm đồm quá nhiều việc, mẹ sẽ dễ rơi vào tình trạng áp lực, mệt mỏi, khó tập trung… và kết quả là dần trở nên “mất não”. Thay vào đó, mẹ cần chia sẻ với chồng hoặc người thân công việc hàng ngày, kể cả việc chăm sóc con cái. Với giải pháp này, mẹ sẽ có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, cân bằng lại sức khỏe, ngăn chặn tình trạng suy giảm trí nhớ sau sinh.

Ngoài công việc, mẹ cũng đừng quên chia sẻ thêm những suy nghĩ, tâm tư và tình cảm của bản thân trong cuộc sống. Cách làm này sẽ giúp bộ não của mẹ được giải tỏa bớt căng thẳng, hỗ trợ phục hồi trí nhớ mau chóng và đề phòng cả bệnh trầm cảm sau sinh.

Ngủ đủ giấc

Sau khi con chào đời, việc có một giấc ngủ ngon không phải là dễ. Dù rất muốn có một giấc ngủ sâu nhưng thiên thần bé bỏng vừa chào đời mang đến bao nỗi lo cho mẹ.

Thiếu ngủ khiến cơ thể mẹ bị suy nhược, mệt mỏi, chức năng não bị rối loạn ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng ghi nhớ của bạn. Do vậy, mẹ đừng ngần ngại nhờ người thân chăm sóc em bé để bản thân có thêm thời gian nghỉ ngơi và có giấc ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Sau sinh, não bộ không được chăm sóc chu đáo, thiếu hụt dưỡng chất cũng làm trí nhớ suy giảm. Do đó, để cải thiện trí nhớ, mẹ đừng quên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể hàng ngày. Đặc biệt, mẹ cần tăng cường các thực phẩm tốt cho não bộ như: cá hồi, trứng, ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh và trái cây tươi. Những thực phẩm giàu sắt giúp tăng lưu lượng máu đến não như thịt bò, gan động vật, đậu phụ, chuối, bí đỏ, sô-cô-la đen…

Luyện tập cho não

Não bộ của bạn cũng như cơ thể cần luyện tập nhiều mới khỏe mạnh và hoạt động tốt. Để nâng cao khả năng tập trung, ghi nhớ hay tốc độ tư duy, các mẹ có thể áp dụng những bài tập cho não như trò chơi giải ô chữ, tính toán, giải câu đố mang tính logic, chơi rubic, cờ tướng, xếp hình, chơi nhạc cụ…

Ngoài ra, mẹ cũng cần tích cực giao tiếp, trò chuyện với mọi người xung quanh để kích thích khả năng tiếp nhận và phân tích của bộ não. Lắng nghe và thấu hiểu những suy nghĩ của người khác cũng là cách giúp mẹ cải thiện đầu óc của chính mình. Bên cạnh đó, mẹ cũng đừng tiếc những nụ cười “thả ga” mỗi ngày. Cười nhiều giúp tinh thần thoải mái, đầu óc sảng khoái và góp phần rèn luyện trí nhớ tốt hơn.

Tập yoga

Không chỉ giúp cơ thể dẻo dai, cải thiện cân nặng, yoga còn giúp tâm trí chị em sau sinh thoải mái hơn. Thông qua những bài tập yoga, cơ thể sẽ được thư giãn, tế bào não theo đó cũng được nghỉ ngơi, đồng thời rèn luyện khả năng tập trung của trí não.

Tranh thủ những lúc con ngủ, mẹ có thể tập yoga hoặc ngồi thiền tại nhà khoảng 10 – 15 phút. Mẹ kiên trì thực hiện những bài tập này mỗi ngày sẽ giúp phục hồi sức khỏe, giảm bớt lo âu và tăng cường trí nhớ hiệu quả.

Mẹo đối phó với chứng hay quên cho mẹ

Ghi chép: Ghi chép là cách giúp bộ não giảm tải khả năng ghi nhớ. Nếu bận rộn với nhiều việc và hay quên thì ghi chép sẽ là biện pháp an toàn nhất và tạm thời giải quyết chứng hay quên cho các bà mẹ bỉm sữa. Mẹ có thể ghi những việc cần làm, những điều quan trọng cần nhớ ra một quyển sổ và để ở nơi dễ nhìn thấy. Như vậy, mẹ có thể giở ra xem khi cần thiết và không bỏ sót những việc phải làm trong ngày.

Ngăn nắp, khoa học: Sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, trật tự cũng giúp mẹ dễ dàng tìm kiếm, tránh thất lạc và rối tung đầu óc mỗi lần cần. Ngoài ra, để giúp não không phải chịu nhiều áp lực, khó tập trung do ôm đồm nhiều việc cùng lúc, mẹ cũng có thể lập kế hoạch làm việc hàng ngày, hàng tuần cụ thể.

Món ngon cho mẹ giảm trí nhớ sau sinh

Gà hầm bí đỏ

Gà hầm bí đỏ vừa thơm ngon, vừa giải quyết tình trạng giảm trí nhớ sau sinh hiệu quả. (Ảnh minh họa)

Chuẩn bị

  • Gà ta: 500 gam
  • Bí đỏ: 300 gam
  • Nước dừa tươi: 400 ml
  • Tỏi, hành tím, hành lá, ngò rí
  • Dầu ăn, muối, hạt nêm, nước mắm, hạt tiêu.

Thực hiện

Bước 1: Gà sơ chế sạch và chặt khúc vừa ăn. Sau đó, ướp thịt gà với một chút hạt nêm, muối, nước mắm, tiêu và hành tím băm nhỏ khoảng 15 phút cho ngấm đều gia vị.

Bước 2: Bí đỏ gọt vỏ, bỏ phần ruột, rửa sạch và cắt miếng vừa ăn.

Bước 3: Đun nóng một chút dầu ăn trong chảo, cho tỏi băm vào phi thơm. Tiếp tục cho thịt gà vào xào săn lại với lửa to.

Bước 4: Thịt gà săn, đổ tiếp nước cốt dừa, đợi nước sôi thì trút bí đỏ vào, hầm trên lửa nhỏ đến khi các nguyên liệu chín mềm.

Bước 5: Nêm nếm gia vị cho vừa ăn, tắt bếp, múc món ăn ra tô, rắc hành ngò thái nhỏ lên trên, rồi dùng cùng cơm nóng.

Thịt bò cuộn măng tây

Thịt bò cuộn măng tây cải thiện chứng suy giảm trí nhớ sau sinh rất tốt.

Chuẩn bị

  • Thịt bò: 300g
  • Măng tây: 1 bó nhỏ
  • Cà rốt: 1 củ nhỏ
  • Tỏi, hành lá
  • Dầu ăn, nước mắm, muối, hạt nêm, hạt tiêu

Thực hiện

Bước 1: Măng tây cắt bỏ phần gốc già và rửa sạch. Cà rốt nạo vỏ, rửa sạch, cắt thành các miếng dài, dày khoảng 0,5 cm.

Bước 2: Đun sôi một nồi nước, cho măng tây cùng cà rốt vào luộc sơ qua. Sau đó vớt ra, thả ngay vào bát nước đá lạnh, ngâm khoảng 2 phút để những búp măng tươi xanh và các miếng cà rốt giòn ngon hơn.

Bước 3: Thịt bò rửa sạch, thái miếng mỏng, to bản. Dùng búa dần thịt, đập nhẹ lên các miếng thịt bò để miếng thịt mềm và dễ cuốn hơn.

Bước 4: Ướp thịt bò với 1 muỗng cà phê tỏi băm, ½ muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê nước mắm, ¼ muỗng cà phê muối và 1/3 muỗng cà phê hạt tiêu trong vòng 20 phút cho ngấm gia vị.

Bước 5: Trải từng miếng thịt bò ra đĩa, cho một búp măng cùng một miếng cà rốt vào, cuộn chặt lại, dùng lá hành trụng sơ với nước sôi, cột lại để thịt không bị tuột.

Bước 6: Đun nóng một chút dầu ăn trong chảo, cho thịt bò cuộn măng tây vào rán đều các mặt trên ngọn lửa vừa. Khi thịt bò vàng đều các mặt, bạn gắp ra đĩa và thưởng thức cùng cơm nóng.

Recent comments

*
*
*

Recent Posts

Archives