Theo lẽ tự nhiên, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Tuy nhiên ở xã hội hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều phụ nữ thành đạt, không chỉ “giỏi việc nước” mà còn “đảm việc nhà”. Chính vị vậy, rất nhiều người vợ, người mẹ cũng đang chịu trách nhiệm trụ cột gánh vác gia đình.
Được và mất khi vợ làm trụ cột gia đình
Khi vợ làm trụ cột gia đình, không hẳn vất vả nhưng tất nhiên cũng không hề sung sướng. Khi trở thành trụ cột gia đình, người phụ nữ phải đối mặt với những khó khăn đến từ nhiều phía, trong đó có cả nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình nếu chỉ mải mê “kiếm củi” mà quên “giữ lửa”. Chính vì vậy, cùng là làm trụ cột gia đình nhưng nếu là người đàn ông, họ chỉ khổ 1 còn nếu là người phụ nữ, họ sẽ khổ gấp 10 lần.
Khốn nỗi, cái khổ nhất không phải khổ về kinh tế, mà cái khổ nhất khi vợ làm trụ cột gia đình lại là khổ về tinh thần, khổ bởi chính thái độ của người chồng.
Phần lớn trong những gia đình có vợ làm trụ cột, dù là chủ quan hay khách quan thì cánh đàn ông cũng đều tỏ ra khó chịu, đá thúng đụng nia. Rất ít người nghĩ rằng nếu không giỏi trong việc kiếm tiền thì chăm sóc con cái, nhà cửa cũng là một cách vun vén tình cảm gia đình. Họ chỉ nghĩ theo hướng tiêu cực là kiếm ít tiền hơn vợ, đồng nghĩa với việc “bám váy vợ”, lép vế vợ.
Nhiều người đàn đông không dám đối đầu với sự thật này nên trốn tránh bằng nhiều cách: Đi lang thang, đi nhậu với bạn bè, chơi sát phạt cờ bạc… Từ đây phát sinh ra hằng hà bất ổn như say xỉn, gây gổ đánh nhau, dính vào nợ nần hay tai thậm chí té ngã, nạn giao thông là điều khó tránh khỏi. Và nếu những điều này xảy ra thật, chẳng hề phóng đại rằng khi vợ làm trụ cột gia đình, phụ nữ khổ hơn đàn ông gấp chục lần.
Khi vợ làm trụ cột gia đình, phụ nữ khổ hơn đàn ông gấp chục lần.. (Ảnh minh họa)
Những điều trên hoàn toàn đúng với gia đình chị Nhi. 2 năm trước, vào đợt cơ quan cắt giảm nhân sự từ một người ăn nên làm ra, chồng chị bỗng trở thành kẻ tay trắng. Ban đầu, chị nghĩ để anh ở nhà nghỉ ngơi vài tuần rồi đi xin việc làm khác vì với tấm bằng thạc sĩ, làm gì có chuyện anh thất nghiệp?
Ngày tháng nghỉ ngơi kết thúc, anh đi xin việc làm nhưng 10 nơi thì có đến 9 nơi không phù hợp. Hàng loạt lý do mà anh liệt kê ra như: Nơi thì lương thấp, nơi thì đi sớm về trễ, nơi lại chế độ đãi ngộ không tốt… Nơi lương thưởng khấm khá, môi trường làm việc tiên tiến thì lại cách nhà xa quá nên tới giờ đã hai năm trôi qua, anh vẫn ở nhà rải hồ sơ với mong muốn một ngày đẹp trời nào đó sẽ có một công việc như ý “từ trên trời rớt xuống”.
Hai năm qua cũng là khoảng thời gian mà chị Nhi phải chịu đựng nỗi buồn cả về thể chất lẫn tinh thần. Chồng ở nhà rảnh rỗi nhưng không phụ vợ đưa đón con cái, dọn dẹp cửa nhà. Anh một mực cho rằng đó là… “chuyện của đàn bà” nên cứ hễ tan sở chị lại “ba chân bốn cẳng” tranh thủ chạy qua trường đón con, tạt qua chợ mua cân thịt, mớ rau về nấu bữa tối. Rảnh rỗi chẳng có việc gì làm, chồng chị từ một người nề nếp, gia phong bỗng dính vào nhậu nhẹt, cờ bạc. Tới khi xã hội đen vào tận nhà hăm dọa, chị mới chết sững. Anh đã đi quá xa, để bây giờ tan cửa nát nhà thì mọi lời xin lỗi cũng chỉ là vô ích. Ngày ra tòa, anh trách chị vì mải mê kiếm tiền, không dành thời gian chăm sóc cho chồng, cho con… nhưng nào chị có sung sướng gì, khi triền miên tăng ca chỉ để gồng gánh trọn vẹn cả gia đình trên vai?
Song song với những hệ quả tiêu cực, cũng có nhiều chị em thích cảm giác khi vợ làm trụ cột gia đình hơn bởi chỉ khi đó họ mới được tiêu xài đồng tiền mồ hôi nước mắt mình làm ra theo đúng nghĩa lý. Dù cực một chút nhưng họ không phải chắt bóp, biếu xén ơn sinh thành một cách lén lút. Họ được mua cái này, sắm cái kia mà không phải nát óc nghĩ cách hợp thức hóa bù khoản này, đắp khoản kia như khi còn xài tiền chồng đưa. So với cảm giác ngửa tay xin tiền chồng, thì cảm giác tự mình làm ra tiền và xài tiền theo ý muốn quả thực rất tuyệt vời.
Đừng làm tổn thương chồng
Nói đến vị trí trụ cột gia đình, ắt hẳn phần lớn đều nghĩ tới vấn đề tiền bạc. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Trong gia đình, ai kiếm được nhiều tiền hơn thì người ấy là trụ cột và ngược lại, ai kiếm được ít tiền hơn thì người ấy đành chấp nhận “lép vế sau lưng”. Tuy nhiên, thực chất trụ cột gia đình không được đánh giá chỉ bởi tiền bạc mà còn được quyết định dựa trên giá trị tinh thần. Một người đàn ông không kiếm được nhiều tiền hoàn có thể là trụ cột, nếu chứng tỏ được khả năng trở thành chỗ dựa vững chắc cho gia đình.
Dù làm trụ cột gia đình, chị em cũng không được vì thế mà coi thường chồng ra mặt. (Ảnh minh họa)
Mặc dù là người làm kinh tế chính trong gia đình, nhưng chị em cũng phải học cách xử trí, tránh làm tổn thương chồng lúc anh ấy rơi vào tình cảnh khó khăn. Đừng cậy mình có tiền lên mặt, chỉ tay năm ngón lớn tiếng gắt gỏng, ra lệnh cho chồng. Lòng tự trọng của người đàn ông rất cao, nếu như bạn cố tình ra oai có thể sẽ khiến mọi việc trở nên “phản tác dụng”. Cố gắng động viên và trò chuyện với chồng trên tinh thần ủng hộ. Nếu tạm thời anh ấy chưa kịp vực dậy làm kinh tế chính trong gia đình, hãy nhẹ nhàng nói với anh ấy về mong muốn có thể giúp vợ lo chuyện nhà cửa, con cái… Giỏi về gia đình, bếp núc, nuôi dạy, chăm sóc con cái cũng là một vinh dự và thành công lớn của những người làm trụ cột gia đình.
Đừng cố tìm cách xa lánh vợ
Như đã nói ở trên, trụ cột gia đình không hẳn lúc nào cũng là người phải kiếm ra thật nhiều tiền. Một người đàn ông giỏi về gia đình, bếp núc, nuôi dạy, chăm sóc con cái cũng có thể là một cây trụ lớn để bên ngoài xã hội, người vợ toàn tâm toàn ý hoàn thành công việc được giao phó. Nếu tạm thời chưa mạnh về kinh tế, hãy giúp đỡ vợ con từ những điều nhỏ nhặt nhất. Không nên “cố đấm ăn xôi” hay dùng bia, rượu, chất kích thích chạy trốn sự thật này. Lẽ nào không những không thể làm trụ cột gia đình, bạn còn kéo cả gia đình từng dày công gây dựng đổ sập xuống?
Theo một cuộc khảo sát ở Mỹ, hơn ¾ cánh mày râu không đề cao việc “sống chết” phải kiếm nhiều tiền hơn vợ. Đối với họ, một gia đình hạnh phúc là một gia đình vợ chồng hòa thuận, con cái ngoan ngoãn, hiếu thảo. ¾ người trong số đó cảm thấy hãnh diện về nếu may mắn “sở hữu” một người vợ giỏi gang thay vì tự ti, ghen tị.
Nếu tự cảm thấy mình chưa xuất sắc, thay vì ghen tị các anh nên cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để vươn lên. Với bản tính của người phụ nữ Việt Nam, khi vợ làm trụ cột gia đình đi chăng nữa thì họ cũng sẽ không quên việc giữ lửa cho gia đình. Vừa “kiếm củi”, vừa xây “giữ lửa” đồng nghĩa với việc phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn gấp đôi. Điều này quả thực rất vất vả. Hãy hiểu và thông cảm những gánh nặng trên vai vợ mình. Dù nhiều dù ít, hãy luôn sẵn lòng giúp đợ vợ vì hai bạn là một gia đình.
Hãy hiểu và thông cảm những gánh nặng trên vai vợ mình. Dù nhiều dù ít, hãy luôn sẵn lòng giúp đợ vợ vì hai bạn là một gia đình. (Ảnh minh họa)
Bản chất của hạnh phúc
Thật ra, khi vợ làm trụ cột gia đình hay chồng làm điều đó, việc người nào làm trụ cột trong gia đình không quyết định đến việc hạnh phúc trong hôn nhân. Bản chất của hạnh phúc là sự chia sẻ, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Thời thế biến động, vai trò của người trụ cột chính trong gia đình cũng có thể bị hoán đổi. Vợ chồng nghĩa nặng tình sâu, đâu chỉ vì khó khăn tức thời mà ly tán đôi ngả? Đừng quá quan trọng hóa việc người này phải ở vị trí này, người kia phải ở vị trí nọ. Chỉ cần chúng ta hạnh phúc khi đứng ở vị trí đó, làm tốt vai trò đó, vậy là được!
Tình yêu và đam mê có thể kéo dài bao lâu? Hôn nhân không phải dựa vào đam mê để duy trì suốt đời, mà phải dựa vào sự hiểu biết, chia sẻ, cảm thông và nương dựa vào nhau, tình yêu dữ dội chỉ mang lại đau khổ, chỉ có tình cảm giao hòa như nước mới là mãi mãi.
Recent comments