Single Blog

Khám phụ khoa trước khi mang thai để có một thai kì suôn sẻ

Mẹ&Con – Khám phụ khoa trước khi mang thai giúp phát hiện ra các bất thường trong cơ quan sinh sản của chị em. Khi phát hiện các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến việc mang thai, chúng sẽ được xử lý triệt để nhằm đảm bảo sức khỏe của cả mẹ lẫn bé sau này.

 

Khám phụ khoa là gì?

Khám phụ khoa là thăm khám cơ quan sinh dục nữ. Thông thường, khi đi khám phụ khoa các bác sĩ sẽ khám tổng quát bộ phận bên ngoài, khám âm đạo, tử cung nhằm xác định kích thước và vị trí của các bộ phận chính trong âm đạo như:

  • Âm hộ, tức cơ quan sinh dục ngoài;
  • Tử cung, hay còn gọi là dạ con;
  • Cổ tử cung, bộ phận tính từ cửa vào từ âm đạo đến tử cung;
  • Ống dẫn trứng, khu vực chuyển trứng đến tử cung;
  • Buồng trứng, là cơ quan sản xuất trứng;
  • Bàng quang, tức túi chứa nước tiểu;
  • Trực tràng, là khoang nối đại tràng hậu môn…

Ngoài ra, khám âm đạo còn cho phép nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh phụ khoa như viêm nhiễm do nấm, virus, mụn thịt âm đạo, u xơ tử cung… Trong những trường hợp cụ thể, sau khi khám xét lâm sàng nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm thêm các xét nghiệm như dịch âm đạo, nước tiểu, máu, tế bào cổ tử cung…

Có cần thiết khám phụ khoa trước khi mang thai?

Các bệnh lý phụ khoa như viêm âm đạo, nhiễm trùng roi âm đạo, nhiễm nấm âm đạo… gây ra những tổn thương nhất định đối với tử cung dẫn đến nguy cơ khó thụ thai hoặc nhiễm khuẩn màng ối, sảy thai, sinh non, thai lưu…. Khám phụ khoa giúp phát hiện kịp thời các bệnh phụ khoa này và nhiều bệnh lý phụ khoa khác nếu chị em mắc phải. Từ đó, có phương pháp điều trị kịp thời, đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và bé sau này. Chính vì thế, việc khám phụ khoa trước khi mang thai rất cần thiết, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản và hạnh phúc của người phụ nữ.

Cứ 10 chị em trong độ tuổi lập gia đình và có kế hoạch sinh con hoặc trong thời kì mang thai thì có đến 7-8 người mắc phải bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Vì thế, trước khi có ý định mang thai, bạn đừng quên đến trung tâm y tế (chuyên khoa phụ sản) để khám phụ khoa và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết.

Khám phụ khoa trước khi mang thai ở đâu?

Một địa chỉ khám phụ khoa uy tín với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao sẽ giúp phát hiện và chẩn đoán bệnh chính xác, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho bạn. Do đó, thay vì mất tiền bạc vào những nơi không đảm bảo an toàn, lại có nguy cơ bị lây nhiễm các bệnh khác, bạn cần tìm hiểu thật kỹ về địa chỉ khám phụ khoa trước khi quyết định lựa chọn đến thăm khám. Dưới đây là một số địa chỉ khám phụ khoa uy tín ở TP HCM và Hà Nội, bạn có thể tham khảo:

Tại TP HCM:

  • Bệnh viện Từ Dũ: 284 Cống Quỳnh, P. Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP HCM
  • Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn: 63 Bùi Thị Xuân, P. Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP HCM
  • Bệnh viện Phụ sản MêKông: 243A – 243B Hoàng Văn Thụ, P.1, Q. Tân Bình, TP HCM
  • Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương: 09 Lý Thường Kiệt, P.12, Q.5, TP HCM
  • Bệnh viện An Sinh: 10 Trần Huy Liệu, P.12, Q. Phú Nhuận, TP HCM
  • Bệnh viện Nhân dân Gia Định: 01 Nơ Trang Long, P.7, Q. Bình Thạnh, TP HCM
  • Bệnh viện Đại học Y dược: 11A Lý Thường Kiệt, P.12, Q.5, TP HCM
  • Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh: 781/B1 – B3 – B5 Lê Hồng Phong nối dài, P.12, Q.10, TP HCM

Tại Hà Nội:

  • Bệnh viện Phụ sản Trung ương: 43 Tràng Thi, P. Hàng Bông, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: 929 La Thành, P. Ngọc Khánh, Q. Ba Đình, Hà Nội
  • Bệnh Viện Bạch Mai: 78 Giải Phóng, P. Phương Mai, Q. Đống Đa, Hà Nội
  • Bệnh viện Việt Pháp: 01 Phương Mai, P. Phương Mai, Q. Đống Đa, Hà Nội
  • Bệnh Viện Đại Học Y Hà Nội: 01 Tôn Thất Tùng, P. Trung Tự, Q. Đống Đa, Hà Nội

Khám phụ khoa trước khi mang thai cần lưu ý những gì?

Để chuẩn bị cho việc khám phụ khoa diễn ra suôn sẻ, cho kết quả chính xác thì trước khi đi khám, các chị em cần lưu ý:

1. Tránh đi khám vào những ngày “đèn đỏ”

Thời điểm này tử cung mở rộng, việc thăm khám dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào tử cung gây tổn thương nội mạc tử cung, ống dẫn trứng. Hơn nữa, máu kinh cũng ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm và bản thân chị em cũng cảm thấy không tự tin, thoải mái khi các bác sĩ thăm khám.

2. Kiêng quan hệ tình dục hoặc đặt âm đạo

Trước khi khám 1-2 ngày, bạn cần kiêng quan hệ tình dục hoặc dùng thuốc đặt âm đạo. Bởi lẽ, những hành động này có thể đẩy các tạp chất, tế bào bất thường và vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào âm đạo, ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán và phát hiện bệnh của bác sĩ.

3. Tránh thụt rửa âm đạo bằng dung dịch vệ sinh

Việc thụt rửa âm đạo bằng các dung dịch sát khuẩn hay bất cứ loại dung dịch vệ sinh nào trong khoảng 3 ngày trước khi khám sẽ rửa sạch các tế bào gây bệnh, khiến việc chẩn đoán bệnh dễ sai lệch.

4. Chuẩn bị tâm lý

Bạn không nên quá lo lắng và tự tạo áp lực cho mình khi khám phụ khoa trước khi mang thai. Bởi đây thực chất là một cuộc kiểm tra khá nhẹ nhàng và không có gì đáng sợ. Bên cạnh đó, bạn có thể chuẩn bị những câu hỏi dự định hỏi bác sĩ để biết chính xác tình trạng bệnh.

Phòng bệnh phụ khoa

  • Không mặc quần lót quá chật, hạn chế tối đa quần lót ẩm ướt.
  • Lựa chọn vải quần lót từ chất liệu cotton 100% và thay thường xuyên trong ngày.
  • Không dùng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín.
  • Sử dụng dung dịch vệ sinh chuyên dụng, dịu nhẹ giúp duy trì độ pH vùng kín ở ngưỡng an toàn từ 3,8-4,5.
  • Không quan hệ tình dục trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Luôn giữ vùng kín khô ráo, sạch sẽ.

 

Recent comments

*
*
*

Recent Posts

Archives