Nhưng tình yêu có muôn vàn lý lẽ, và trong tình yêu thì không ai nói trước được điều gì cả. Tôi là “tập 2” của ông xã bây giờ. Anh và vợ cũ ly hôn cách đây 6 năm, lý do chị ấy trót lỡ ngoại tình với người đã có gia đình trong khi anh vất vả đi làm xa, kiếm tiền trang trải gia đình. Kết hôn với anh, ngoài tình yêu của chồng quả thực một người như tôi phải chịu rất nhiều áp lực vô hình.
Sự hỡ hững của gia đình chồng
Người vợ đầu tiên của chồng tôi từng được cả gia đình anh rất yêu quý, cho tới khi chị ấy đã phạm phải sai lầm không thể thứ tha. Cũng phải thôi, vì chị ấy vừa xinh đẹp lại giỏi giang còn tôi chỉ là một cô giáo bình thường. Việc chồng tôi – người đàn ông mới ngoài 30 tuổi đi bước nữa sau chừng ấy năm gà trống nuôi con là điều hiển nhiên, cả gia đình ai cũng thúc giục vả ủng hộ điều này.
Tuy nhiên, khi bước chân về nhà tôi biết gia đình anh chỉ chào đón mình một cách miễn cưỡng. Không đám cưới rình rang, không chuyên trò thân mật và thiếu đi sự kết nối. Dường như trong ý nghĩ của mọi người luôn tồn tại những câu hỏi đầy hoài nghi, đại loại như: “Liệu con dâu mới có lặp lại vết xe đổ như con dâu cũ hay không?” Và đương nhiên, từng cử chỉ, hành động hay thậm chí là các mối quan hệ của tôi cũng luôn lọt vào tầm ngắm của bố mẹ chồng, anh em họ hàng nhà chồng nhằm đề phòng những chuyện không hay xảy ra.
Sự mất tự do này khiến tôi cảm thấy áp lực kinh khủng, đôi lúc tôi muốn bỏ quách về nhà mẹ đẻ cho xong nhưng nhìn chồng hiền lành, chăm chỉ làm ăn và nhất là hết mực yêu thương, chiều chuộng mình đã làm tôi thay đổi suy nghĩ. Tôi quyết tâm chứng tỏ cho mọi người trong gia đình chồng thấy rằng mình không giống với con dâu cũ của họ, tuy không bằng người ấy về ngoại hình, tài năng nhưng ít nhất cũng hơn về lòng chung thủy.
Đầu tiên, tôi chủ động bắt chuyện cùng mẹ chồng. Mỗi lần ở trường tổ chức lễ hội hay mấy anh chị em đồng nghiệp liên hoan, tôi đều rủ mẹ chồng đi theo. Biết bà không dễ dàng đồng ý nên mỗi lần như vậy tôi đều mua sẵn quần áo, giày dép tặng mẹ để bà có thêm động lực. Bạn bè rủ đi chơi, tôi nói khéo vào nhà đợi mình trang điểm, thay đồ nhưng thực chất muốn để bố mẹ chồng tận mắt nhìn thấy con dâu đi chơi ở đâu, giao du với những người như thế nào.
Với anh chị em nhà chồng cùng lứa tuổi, tôi gợi ý bắt chuyện cùng họ và những lúc rảnh rỗi thường rủ họ đi mua sắm mà phần lớn là đồ đạc cho gia đình, cho chồng của tôi. Sau gần hai năm kiên trì, tôi cũng lấy được niềm tin của gia đình chồng. Tết năm ngoái, bố chồng dặn đi dặn lại tôi phải mời bằng được anh Hùng đồng nghiệp tới xông nhà, uống nước chè với bố vì anh Hùng là người đạo mạo, chỉnh chu lại rất hợp tuổi với ông nên chắc sẽ mang tới nhiều may mắn trong năm mới. Tôi rất vui vì giữa mình và gia đình chồng đã nhen nhóm dây kết nối tình cảm và nhất là sự tin tưởng lẫn nhau – một thứ rất khó và cần rất nhiều thời gian để gây dựng.
Là tập 2 của chồng, nhiều lúc hạnh phúc nhưng cũng không hiếm lúc mệt mỏi, muốn buông xuôi. (Ảnh minh họa).
Nỗi ám ảnh mang tên vợ cũ
Khi tôi và gia đình chồng vừa kịp thân thiết, quý mến nhau cũng là lúc vợ cũ anh xuất hiện. Vợ cũ có nhiều loại người, xấu có, tốt có, bình thường với chồng cũ có, “không ăn được thì đạp đổ” có. Xui là vợ cũ của chồng tôi thuộc loại cuối cùng.
Sau mối tình vụng trộm không thành, biết chồng cũ lấy vợ mới dường như cô ấy vô cùng hối hận. Quay trở về làm việc gần nhà, cô ta thường xuyên liên lạc với chồng tôi với lý do “nói chuyện về con cái”. Bề ngoài, cô ấy luôn tỏ ra bình thường, thậm chí là khiêm tốn, tự trọng và không cần sự thương hại của chồng, của nhà chồng cũ. Những cũng cùng là phận đàn bà với nhau, tôi hiểu người ta sẽ không dễ dàng để vụt mất đi những thứ quý giá, nhất là lỗi do mình gây nên.
Không phải ngẫu nhiên mà tôi quy chụp điều này. Nhiều lần, khi chồng đi nhậu vệ say tôi bắt gặp những tin nhắn, cuộc gọi được ghi âm của vợ cũ trò chuyện với anh. Trong số đó quá nửa hỏi về tôi – vợ mới của anh với những câu từ không mấy thiện cảm, chứ không hề có bất cứ câu chữ nào trò chuyện về con chung giữa hai người. Vận dụng tất cả những kinh nghiệm sống được học ở nhà trường, gia đình và xã hội tôi hiểu rằng: Trong tình cảnh này nếu như tôi không kiềm chế được và làm căng lên, nhất định sẽ khiến đối phương hả lòng hả dạ thắng thế.
Vợ cũ của anh càng khiêu chiến, càng “chọc tức” bao nhiêu tôi lại càng tỏ vẻ ân cần, quan tâm tới anh nhiều hơn. Đôi lúc, tôi cố tình gợi cho chồng nhớ lại những kỉ niệm không hay về người cũ một cách vô tình. Thật tâm tôi không hề cố ý muốn khơi lại nỗi đau trong anh, tôi chỉ muốn anh hiểu rằng có những chuyện đã qua cũng như bát nước đổ đi, có lấy lại cũng không bao giờ đầy. Anh đã chọn tôi, tôi cũng đã chọn anh, chúng tôi đã chọn nhau thì cả hai phải có nhiệm vụ bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Sau nhiều lần chia rẽ nhưng không được, vợ cũ của chồng cũng dần hiểu và “rút lui”. Tôi dẹp qua mọi chuyện, nhưng sẽ luôn sẵn sàng “xù lông” bất cứ khi nào có người “khiêu chiến” để bảo vệ thứ hạnh phúc mà mình đã dày công vun đắp.
“Cuộc chiến” với những đứa trẻ
Là cô giáo, tôi có một tình yêu mãnh liệt với trẻ thơ và đối với bé My – con riêng của chồng cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, vì không được sống trong một gia đình trọn vẹn, con bé có phần lầm lì và đa cảm hơn so với bạn bè cùng trang lứa.
Kiên trì và bao dung là từ khóa quan trọng giúp bạn hạnh phúc khi là tập 2 của chồng. (Ảnh minh họa)
Những ngày đầu, con bé nhất định không chịu gọi tôi là mẹ và tỏ thái độ chống đối ra mặt. Trừ những lúc có bố cháu ở nhà, ngoài ra những lúc bố đi vắng tôi không thể nào “hợp tác” được với cháu. Biết cháu thích búp bê, tôi đã mua rất nhiều đồ chơi cho cháu nhưng trái ngược với sự mong đợi, cháu không những không cần mà còn tuyên bố thẳng thừng rằng chỉ thích chơi búp bê do bà nội mua cho.
Tổng kết cuối năm học, cô giáo mời phụ huynh tới họp nhưng con bé nói không có mẹ nên cô giáo đành điện thoại về cho chồng tôi. Tôi lén đi họp cho cháu và được cô giáo tâm sự nhiều chuyện về con gái, trong đó có việc cháu khao khát có một gia đình trọn vẹn, được yêu thương, chăm sóc, được bố mẹ đưa tới trường như các bạn cùng lớp… Tất cả những điều này được thể hiện qua những bài tập làm văn rất dài mà cháu viết bằng chính cảm xúc thật của mình, gửi cho cô.
Hiểu và đồng cảm được nỗi buồn của con, những ngày sau đó tôi đều cố gắng “đội mũ phớt, ăn bánh bơ” kết thân với con bé dù nhiều lúc bị cháu thẳng thừng cự tuyệt. Buổi tối, tôi tranh thủ soạn giáo án nhanh nhất có thể để kịp sang phòng kèm cháu học. Cháu ốm, tôi sẵn sàng xin nghỉ làm ở nhà chăm sóc. Cháu thích ăn món gì, dù không biết làm nhưng tôi cũng kiên nhẫn bật Youtube tập tành. Tôi luôn tâm niệm trẻ nhỏ không có tội, và mình làm điều thiện cũng như tích đức cho con cái mình sau này.
Dần dà khi đã quen được quan tâm, con bé cũng mở lòng và thân thiết với tôi nhiều hơn. Lần ấy, khi đang mang thai con trai thứ 2 tôi bị té cầu thang. Chính bé My là người đã điện thoại cho xe cấp cứu đưa tôi tới bệnh viện nên không có chuyện đáng tiếc xảy ra. Trải qua nhiều câu chuyện buồn vui trong cuộc sống, hai mẹ con dần yêu thương nhau nhiều hơn. Hành trình chinh phục con riêng của chồng quả thực không dễ dàng, nhưng so với những gì tôi nhận được hiện tại quả thực vô cùng xứng đáng.
Không hề quá đáng khi nói rằng, những người chấp nhận là tập 2 của chồng nên được gọi là… anh hùng. Ngoài những khó khăn trên, chúng tôi còn gặp phải vô số những thiệt thòi, áp lực khác như điều tiếng đến từ những người tò mò bên ngoài. Lời khuyên duy nhất mà tôi muốn gửi gắm tới những người cùng cảnh ngộ như mình, đó là khi đã quyết gắn bó đời mình với người đàn ông từng trải qua một đời vợ, hãy tôn trọng quá khứ và thông cảm cũng như sẻ chia những biến cố trong cuộc đời anh ấy. Hãy tỉnh táo, không ghen tuông phi lý vì điều này thực chất chỉ tự mình làm khổ mình mà thôi. Luôn đối xử với những người thân yêu của chồng mình giống như cách mà mình đối xử với những người thân yêu của chính mình, dù sớm, dù muộn hạnh phúc cũng mỉm cười với bạn theo cách tự nhiên nhất!
Recent comments