Single Blog

Nâng cấp ngực chảy xệ sau sinh

Mẹ&Con – Ngực chảy xệ sau sinh là nỗi buồn phiền của nhiều chị em. Vậy làm cách nào để đôi ‘gò bồng đảo’ của chị em luôn đầy đặn, căng tràn và quyến rũ như thuở thiếu nữ? Mời các mẹ cùng tham khảo những bí kíp giữ ngực đẹp sau sinh mà vẫn có thể chăm con bằng sữa mẹ an toàn, đủ chất dưới đây.

 

Ngực chảy xệ sau sinh do đâu?

Sau sinh, đa phần chị em đều gặp phải tình trạng ngực chảy xệ. Nguyên nhân là do trong giai đoạn mang thai và cho con bú, các mô tuyến sữa gia tăng và hoạt động mạnh mẽ, chèn ép lên các mô mỡ, làm khối lượng mô mỡ ở tuyến vú bị teo nhỏ và khiến bầu ngực chảy xệ, sa trễ.

Mặt khác, trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ, lượng sữa tiết ra quá nhiều làm tăng trọng lượng và thể tích bầu ngực. Hệ thống dây chằng có tác dụng nâng đỡ và treo tuyến vú bị giãn, dần mất đi tính đàn hồi nên không thể nâng đỡ bầu ngực, khiến ngực chùng nhão nhanh chóng. Đặc biệt, với các bà mẹ cai sữa đột ngột cho con 4 – 5 tháng tuổi, thời điểm ngực có nhiều sữa nhất, sẽ dễ dẫn đến chảy xệ nhất. Muốn giữ dáng ngực hoàn hảo, mẹ có thể đợi khi con được 18 – 24 tháng rồi bắt đầu cai sữa dần.

Hành động vắt sữa hoặc cho con bú không đúng cách cũng là nguyên nhân ép các mô liên kết và cơ nâng ngực bị phá vỡ làm ngực chảy xệ, mềm nhũn. Bên cạnh đó, giảm cân đột ngột là mẹ cũng đang vô tình làm bầu ngực không thích nghi kịp, từ đó dễ dẫn đến ngực mềm nhão, xệ hơn so với bình thường.

Nhiều bà mẹ sau sinh còn có thói quen thả rông, không mặc áo ngực để tiện cho con bú. Thế nhưng, điều này lại khiến ngực không được nâng đỡ, bảo vệ và chảy xệ dần. Một thời gian sau, mức độ ngực chảy xệ sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Ngực chảy xệ sau sinh khiến chị em cảm thấy tự ti. (Ảnh minh họa)

Chăm sóc ngực chảy xệ sau sinh

Cho con bú đúng cách

Một trong những nguyên nhân khiến “núi đôi” chảy xệ sau sinh chính là việc cho con bú chưa đúng cách, sai tư thế. Để tránh ngực chảy xệ thì ngay từ khi bắt đầu cho con bú, mẹ cần cho con bú đúng cách.

Mẹ có thể nằm nghiêng hoặc ngồi thoải mái. Sau đó, mẹ đặt toàn thân bé áp sát vào người mẹ, đưa miệng bé ngậm sâu vào quầng ti. Mẹ chú ý không để bé nằm quá thấp và kéo bầu ngực làm giãn dây chằng gây ra tình trạng ngực chảy xệ sau sinh.

Tương tự như vậy, các mẹ vắt sữa bằng máy cố gắng nâng phễu ngang bằng với bầu ngực để hạn chế tình trạng ngực bị trì xuống và dần chảy xệ.

Mặc áo lót nâng đỡ ngực

Nhiều chị em thường lười mặc áo ngực vì phải cho con bú liên tục. Trong khi đó, bầu sữa đang căng nặng lại không được nâng đỡ sẽ dễ bị tổn thương và dần chảy xệ. Do đó, dù cho con bú, mẹ vẫn cần chú ý chọn những chiếc áo ngực phù hợp, có tác dụng nâng đỡ ngực tốt.

Mẹ tránh chọn những chiếc áo quá chật hay quá rộng. Cả hai loại này đều phản tác dụng bảo vệ ngực của mẹ. Loại áo quá ôm sát, quá chật có thể dẫn đến việc tắc tia sữa; còn áo quá rộng sẽ làm việc nâng đỡ ngực không hiệu quả. Mẹ cũng tránh chọn áo ngực có gọng, gọng tì vào ngực sẽ không tốt cho sự lưu thông của các tia sữa.

Tốt nhất, mẹ cần chọn áo ngực dành riêng cho mẹ bỉm sữa. Loại áo ngực này thường được làm từ chất liệu mềm dẻo, linh hoạt, phần cúp ngực có thể tháo rời để việc cho bé bú trở nên dễ dàng hơn… Đặc biệt, loại áo này còn giúp nâng đỡ và bảo vệ ngực trước sức nặng của bầu sữa căng tròn rất tốt.

Không giảm cân quá nhanh

Hầu hết các chị em khi mang thai đều có xu hướng tăng cân. Sau sinh, các bà mẹ đều nóng lòng lấy lại dáng mà không biết rằng trọng lượng mất đi quá nhanh và nhiều có ảnh hưởng rất lớn đến “vòng 1”. Chính vì vậy, mẹ cần chú ý giảm cân từ từ, điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp. Điều này vừa đảm bảo nguồn sữa cho con bú, vừa giữ độ đàn hồi cho bầu ngực, tránh làm ngực chảy xệ sau sinh.

Để duy trì bộ ngực đẹp tự nhiên, săn chắc và không bị chảy xệ, mẹ cần chú ý bổ sung vào chế độ ăn hằng ngày của mình các thực phẩm:

  • Giàu estrogen như: Cam thảo, các loại ngũ cốc, đậu (đậu nành, đậu đỏ, đậu phộng…), rau củ giàu vitamin (bắp cải, bông cải xanh, củ dền…). Estrogen không những giúp hỗ trợ phát triển tuyến sữa, mà nó còn có tác dụng làm ngực săn chắc tự nhiên sau sinh hiệu quả.
  • Giàu vitamin B và E như: Đậu phụ, đu đủ, rau dền, củ cải… để giúp ngực duy trì độ săn chắc, vùng da ngực đàn hồi tốt hơn.
  • Giàu kẽm, đồng từ hải sản, giúp kích thích hormone nữ phát triển để ngực to tự nhiên, săn chắc hơn.
  • Dồi dào chất béo lành mạnh hoặc nhiều protein như thịt nạc, các loại cá béo (cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi, cá ngừ…), quả bơ, các loại hạt…

Ngoài ra, để luôn sở hữu bộ ngực săn chắc, quyến rũ sau sinh, chị em cũng cần tránh các thực phẩm:

  • Chế biến sẵn, đồ đóng hộp: Đây là dạng thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, muối, đường đẩy nhanh quá trình lão hóa của da, trong đó có da bầu ngực, khiến “vòng 1” bị ảnh hưởng không nhỏ.
  • Cà phê: Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, ngực của chị em có xu hướng teo lại khi sử dụng quá 100g caffein mỗi ngày. Lý giải điều này, các nhà khoa học cho rằng, chất caffein trong cà phê làm hàm lượng mỡ, thành phần cấu tạo chính của ngực bị tiêu hao, khiến kích thước ngực giảm đi. Hơn nữa, hấp thụ nhiều cà phê còn gây ức chế hoạt động của estrogen trong cơ thể.
  • Gia vị cay: Hàm lượng cao của chất capsaicin trong các loại gia vị cay như hành, tỏi, gừng, tiêu, ớt… có khả năng đốt cháy chất béo trong cơ thể. Thường xuyên thêm các gia vị cay vào khẩu phần ăn có thể làm giảm dần kích thước “vòng 1”.

Mát xa ngực

Một trong những cách cải thiện ngực chảy xệ sau sinh hiệu quả không thể bỏ qua đó chính là mát xa ngực. Mát xa kích thích sự tuần hoàn máu, làm săn chắc các mô ngực, tăng cường sự hấp thụ dưỡng chất, giúp vòng một căng tròn, không chảy xệ.

Với mẹ bỉm sữa không có nhiều thời gian thì có thể thực hiện các bài tập mát xa trong lúc tắm rửa hoặc khi bé ngủ.

Mỗi lần tắm, mẹ chỉ cần để cho các tia nước mát phun lên bầu ngực. Sau đó, mẹ dùng tay mát xa nhẹ nhàng quanh bầu ngực theo chiều kim đồng hồ, từ trong ra ngoài, từ dưới lên trên. Mẹ có thể luân phiên giữa nước ấm và nước lạnh rồi kết thúc quá trình với nước lạnh để se khít lỗ chân lông, giúp vùng da ngực săn hơn.

Ngoài ra, trong thời gian bé ngủ, mẹ có thể xoa hai bàn tay vào nhau thật mạnh để làm nóng. Sau đó, mẹ áp hai bàn tay lên hai bầu ngực, nhẹ nhàng xoa theo đường xoáy tròn trong vòng 7 – 10 phút.

Ngoài cách mát xa nóng, mẹ cũng có thể mát xa lạnh bằng cách sử dụng đá vụn, gói kín vào hai cái khăn. Sau đó, mẹ miết đều chúng lên hai bầu ngực theo chuyển động từ dưới lên trên, từ ngoài vào trong. Chăm chỉ thực hiện các động tác này mỗi ngày, mẹ sẽ sớm sở hữu “vòng 1” căng tròn như trước đây.

Tập thể dục cho “núi đôi”

Tùy trường hợp sinh thường hay sinh mổ mà các mẹ có những thời điểm tập luyện cho “núi đôi” khác nhau. Với chị em sinh thường, thì chỉ cần hai tháng sau sinh là có thể thực hành một số bài tập thể dục nhẹ nhàng. Nếu sinh mổ, thời gian bắt đầu tập luyện sẽ lâu hơn, thường khoảng 4 tháng sau sinh, khi vết mổ đã lành hẳn. Dưới đây là một số bài tập tác động vào cơ ngực, giúp khắc phục tình trạng ngực chảy xệ sau sinh:

Chống đẩy

  • Nằm sấp, đặt hai lòng bàn tay xuống sàn, rộng bằng vai, hai chân duỗi thẳng, rộng bằng hông, mũi chân chống sàn.
  • Từ từ hạ toàn bộ cơ thể xuống, đến khi ngực chỉ cách sàn khoảng vài centimet (cm), giữ vị trí này trong 5 giây.
  • Thắt chặt cơ bụng, đẩy ngược thân người lên, sao cho hai cánh tay thẳng.
  • Tiếp tục lặp lại các động tác khoảng 10 lần hoặc tùy sức.

Chống đẩy với tường

Bài tập chống đẩy với tường tương tự như bài tập chống đẩy thông thường, nhưng thay vì sử dụng sàn nhà, bạn sẽ sử dụng một bức tường. Đứng cách tường vừa đủ một cánh tay, hai chân và lưng thẳng. Sau đó, bạn thực hiện các động tác chống đẩy như chống đẩy với sàn nhà ở trên.

Đẩy tạ

  • Nằm ngửa, hai gối cong, mỗi tay cầm một quả tạ tay nhẹ (khoảng 1 – 1,5 kg) tạo một góc 90 độ với ngực.
  • Đưa hai tay lên cao đến khi cả hai đều duỗi thẳng, cơ ngực căng.
  • Trở về tư thế ban đầu, thực hiện 30 lần, cứ mỗi 10 lần thì nghỉ khoảng 1 phút.

Bơi lội

Không muốn đổ mồ hôi trong phòng tập, chị em cũng có thể khắc phục ngực chảy xệ sau sinh bằng cách bơi lội. Đơn giản là vì khi bơi, các cơ ngực phải hoạt động nhiều hơn, giúp ngực săn chắc tự nhiên. Vì vậy, khi cơ thể đã sẵn sàng, bạn có thể bơi thường xuyên để sở hữu “vòng 1” đẹp hơn.

Nếu thấy “vùng kín” ra máu trong quá trình tập, mẹ cần ngưng tập vài ngày, sau đó tập lại với mức độ nhẹ hơn. Trường hợp mẹ cảm thấy đau đớn, chóng mặt hay kiệt sức thì cần ngưng tập và đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám kịp thời.

Recent comments

*
*
*

Recent Posts

Archives